Học nghề đến quên ăn, quên ngủ
Nguyễn Văn Hùng (21 tuổi) đến từ Yên Bái, là học viên ngành kỹ thuật chế biến món ăn của Trường Trung cấp Kỹ thuật kinh tế Bắc Thăng Long cho biết, đã mất 2 năm để theo học ngành kỹ thuật chế biến món ăn. Mặc dù, nhà ở xa, nhưng Hùng vẫn quyết tâm xuống Hà Nội học trung cấp thay vì đi thi đại học như nguyện vọng của gia đình. “Mình chọn học nghề nấu ăn vì mình đam mê, thích nghề này. Hơn nữa, học nghề ra dễ xin việc làm hơn, nếu không xin được việc làm thì còn tự tạo được việc làm” - Hùng chia sẻ về lý do theo học trường nghề.
Nguyễn Văn Hùng đang chăm chú tác nghiệp hình hoa trên quả dưa. Ảnh: Minh Nguyệt
“Trong bối cảnh kinh tế phát triển, nhu cầu cần có người đầu bếp chuyên nghiệp phục vụ các trường mầm non, khu công nghiệp, công ty… ngày càng nhiều. Do vậy, các em học xong nghề kỹ thuật nấu ăn ra trường là có việc làm ngay, không lo bị thất nghiệp”. Thầy Hoàng Thế Hiển |
Mặc dù tốt nghiệp ngành kỹ thuật chế biến món ăn, nhưng vì khát vọng được học nâng cao tay nghề để trở thành một đầu bếp giỏi, Hùng tiếp tục theo học lớp nâng cao về cắt tỉa hoa quả. Hùng cho biết: Để thực hiện ước mơ trở thành nghệ nhân cắt tỉa, Hùng quyết dành thêm 1 năm để theo học nâng cao. “Mình thấy học nghề nấu ăn và cắt tỉa hoa quả rất vất vả. Nhiều lần làm hăng say quá quên cả ăn, quên cả ngủ” - Hùng chia sẻ.
Hiện giờ nhóm học nâng cao tay nghề của Hùng có 10 người. Để chuẩn bị hàng bán tết, Hùng và các bạn trong nhóm đang nhận khắc, cạo, tỉa hoa quả, cây con như dưa hấu, mâm mũ quả… “Hiện giờ, nếu trình độ như mình đi làm cho các nhà hàng, ít nhất họ cũng trả lương 10 triệu đồng, còn trình độ cắt tỉa, nấu nướng cao hơn, chuyên nghiệp hơn có thể được trả 15-20 triệu đồng” - Hùng chia sẻ thêm.
Hút học viên vì không lo thất nghiệp
Thầy Hoàng Thế Hiển - dạy ngành kỹ thuật nấu ăn của Trường Trung cấp Kỹ thuật kinh tế Bắc Thăng Long – thầy giáo của Hùng cho biết, hiện nay nghề nấu ăn vẫn là một trong những nghề được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, trong những năm qua, bộ môn cắt tỉa hoa, quả cũng được chú trọng.
Hiện bộ môn cắt tỉa hoa quả có 3 trình gồm 60 tiết trong tổng chương trình dạy trung cấp. Với số lượng đó, học sinh hoàn toàn có thể cắt tỉa những sản phẩm thủ công bày tiệc ăn. Tuy nhiên, nếu để đạt tới trình độ cắt tỉa tạo sản phẩm độc đáo thì cần phải học nâng cao. Khi học nâng cao, các học viên sẽ được học tạo tượng, tức cắt tỉa thành hình tượng người, thứ hai là được dạy cách tạo tượng con giống, là hình những con vật, thứ ba là tạc đá. Việc tạc đá là phức tạp nhất bởi học viên phải thao tác cần nhanh, mạnh, khéo léo, nếu không tượng sẽ tan chảy thành nước.
“Mặc dù có lớp học nâng cao trình độ cho học viên trong môn cắt tỉa hoa quả từ 6-12 tháng, nhưng không phải học viên nào cũng học được bởi yêu cầu cao về tố chất, sự ham học hỏi và nỗ lực của từng học viên” - thầy Hiển nói.
Nhận xét về mức lương của thợ cắt tỉa lành nghề, ông Hiển khẳng định thu nhập sẽ rất cao với những người được đánh giá tầm cỡ nghệ nhân. Những người lành nghề thì thu nhập không dưới 1.000 USD (hơn 20 triệu đồng), thường thì lương của họ bao giờ cũng cao ngang tầm với lương của một bếp phó từ 25-30 triệu đồng/người.
Thầy Hiển cũng cho biết, học viên học nghề ít tốn kém hơn học đại học. Ví dụ như học trung cấp ngành nấu ăn dù cho có tốn kém thì trong 2 năm học, tính cả học phí và tiền thực hành, học viên chỉ tốn khoảng hơn 10 triệu đồng.