Dân Việt

Bỏ điểm sàn, thí sinh có tăng cơ hội trúng tuyển?

Diệu Thu 19/12/2016 10:39 GMT+7
Theo một số lãnh đạo trường đại học, năm nay bỏ điểm sàn, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng sẽ tăng cơ hội cho các em trúng tuyển ngay đợt đầu.

img

Năm 2017, Bộ GD-ĐT dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) như mọi năm

Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017. Đáng chú ý trong Dự thảo này, Bộ GD-ĐT dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) như mọi năm. Ngoài ra, các trường được tự tổ chức thi và xét tuyển nhiều đợt trong năm, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng.

Bày tỏ ý kiến về những điểm mới trong quy chế, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, việc quy định cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng có thể tạo điều kiện cho các em có thêm cơ hội trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên vào ngành học yêu thích khi các em đăng ký ngành này ở những trường có mức độ cạnh tranh khác nhau.

“Năm nay các em được đăng ký nhiều nguyện vọng thì sẽ tăng cơ hội cho các em trúng tuyển ngay đợt đầu, không phải chờ tới các đợt sau”, ông Sơn nói.

PGS Hoàng Minh Sơn khẳng định, với quy chế mới thí sinh chắc chắn không bị rối. Ngoài ra, các trường cũng càng có cơ hội tốt hơn để hoàn thành xét tuyển ngay trong đợt đầu, như vậy rất thuận lợi.

Cũng theo lãnh đạo Đại học Bách Khoa Hà Nội, dự thảo quy chế đã đi đúng hướng để các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh.

Ông Sơn lý giải, việc đưa ra một mức điểm sàn cho tất cả các trường, tất cả các ngành là không còn phù hợp với sự đa dạng hóa ngành nghề đào tạo hiện nay; bởi tự chủ tuyển sinh của các trường đã được luật hóa.

Các trường tự quyết định điều kiện đầu vào, được quyền lựa chọn phương án xét tuyển đầu vào theo học bạ hoặc tổ chức thi riêng, như vậy vô hình chung việc quy định điểm sàn của kỳ thi này không còn ý nghĩa như trước đây.

Cũng theo ông Sơn, Bộ không quy định điểm sàn nhưng yêu cầu các trường công bố công khai, minh bạch điều kiện xét tuyển buộc các trường phải cân nhắc để giữ thương hiệu.

Các trường tùy yêu cầu đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín, tính chất ngành nghề sẽ đưa ra các điều kiện nhận đăng ký xét tuyển cụ thể.

“Chúng ta hình dung một trường nào đó đưa nếu ra ngưỡng xét tuyển là 11 hay 12 điểm liệu có thu hút được thí sinh hay chỉ làm hạ thấp uy tín chất lượng của mình?”, ông Sơn nói.

img

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, Dự thảo quy chế đã đi đúng hướng

Trong khi đó, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng, việc bỏ điểm sàn sẽ có hai mặt. Bỏ điểm sàn sẽ nhận được sự đón nhận của thí sinh và phụ huynh là quy chế theo hướng mở (tùy các trường quyết định).

Ngoài ra, việc không giới hạn số nguyện vọng, nghe qua thí thấy dự thảo quy chế đang hướng đến quyền lợi tối đa cho thí sinh. Tuy nhiên, điều này không cần thiết vì thực tế nhiều năm qua, có nhiều em không sử dụng hết các nguyện vọng tối đa.

Thứ hai, việc không giới hạn số nguyện vọng, nghe qua thì thấy dự thảo quy chế đang hướng đến quyền lợi tối đa cho thí sinh.

“Không giới hạn nguyện vọng không cần thiết vì thực tế nhiều năm qua, có nhiều em không sử dụng hết các nguyện vọng tối đa”, ông Lý cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga  lý giải: “Bỏ điểm sàn vì hai năm vừa qua, Bộ GD-ĐT bắt đầu giao cho các trường xét tuyển kết quả học tập phổ thông nhưng trên thực tế các trường không tuyển được nhiều thí sinh theo cách này”.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT phân tích, năm 2016, dù có điểm sàn nhưng vẫn còn hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đơn đăng ký xét tuyển dù rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy thí sinh đã có sự tính toán, lựa chọn nhất định chứ không phải vào bất cứ trường đại học nào là xong.

Cũng theo ông Ga, năm nay Bộ quy định điều kiện cần chung nhất là điểm tốt nghiệp THPT. Còn các trường tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của mình cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín.