Dân Việt

Quảng Nam: Bùn phủ lớp dày sau lũ, dân chật vật dọn dẹp

Trương Hồng 19/12/2016 12:59 GMT+7
Sau lũ, người dân vùng lũ Quảng Nam còn khổ hơn khi bắt tay vào công tác khắc phục hậu quả vì hàng ngàn mét khối bùn đất phủ dày đặc vào nhà dân, trụ sở ban ngành và trường học…

img

Sau lũ, người dân Quảng Nam khốn khổ với đống bùn non dày khắp thôn xóm, nhà cửa.

Ngày 19.12, người dân các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và TP.Hội An, Quảng Nam đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ. Các xã Duy Thành, Duy Vinh của huyện Duy Xuyên và các phường Cẩm Kim, TP.Hội An đã khẩn trường dọn dẹp nhà cửa, đường bê tông trong khu dân cư và các cơ quan, trường học sạch sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ.

img

Cán bộ xã Duy Thành đang đẩy các bùn đất trong khu viên cơ quan ra ngoài.

Chị Trần Thị Vân (SN 1978, trú xã Duy Thành) cho biết: “Tôi vừa dọn dẹp sau đợt lũ trước chưa bao lâu thì nước lũ lại tràn về lần 2 làm ngập toàn bộ đồ đạc, bùn đất dày cả 5 cm. Sáng nay, nước rút xuống nên tranh thủ múc nước và quét các bùn đất ra trong nhà ra ngoài để sạch sẽ chuẩn bị buôn bán hàng hóa sắp tới”.

Ông Lê Trung Xuân - Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết: “Khi nước rút cơ quan xã đã huy động khoảng 30 người là cán bộ, viên chức của xã đến cơ quan dọn dẹp vệ sinh, quét bùn đất ở sân ra ngoài. Đặc biệt, đợt mưa lũ này trên địa bàn xã có hơn 5 ha ruộng đồng của người dân bị bèo phủ kín nên chính quyền xã đã cử các lực lượng dân quân, công an xã phụ giúp người dân khắc phục. Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu bị ngập nước và các tuyến kênh mương nội đồng bị sạt lở, bồi lấp”.

img

Trường Tiểu học Võ Công Sáu, huyện Đại Lộc tràn ngập bùn non và người dân giúp khắc phục hậu quả cho trường.

Cũng trong sáng nay, các thầy, cô giáo ở, trường mầm non, THCS ở Duy Vinh, huyện Duy Xuyên và trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu ở xã Đại An, huyện Đại Lộc đã múc nước tát bùn đất và quét dọn, lau chùi bàn ghế để chuẩn bị cho công tác giảng dạy trở lại sau mưa lũ.

Thầy Lê Đấu - Hiệu trưởng THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở xã Duy Vinh nói: “Mưa lũ đã làm ngập nước cả sân trường và một số phòng cũng bị ngập nước. Sau khi nước rút xuống, toàn thể các thầy, cô giáo của nhà trường đã đến dọn dẹp, lau chùi các bàn ghế, các phòng để phục vụ cho công tác giảng dạy trở lại”.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chia sẻ, công tác xử lý về y tế đã được sở chỉ đạo quyết liệt ngay từ trong và sau lũ, nhất là việc cấp cứu người dân vùng lũ khi có sự cố, các huyện miền núi như Nam Trà My vừa rồi do ách tắc đường giao thông nên phải mổ trực tiếp bệnh nhân ngay tại tuyến huyện.

img

Các cô giáo mầm non xã Duy Vinh dọn vệ sinh trong khuôn viên trường.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh Quảng Nam, đợt lũ những ngày qua đã làm 13 nhà dân khu vực trung du miền núi ngã đổ; 15.231 ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ ở vùng đồng bằng. Toàn tỉnh có 531 ha lúa, 33ha mạ, 3.770 ha hoa màu bị hư hại khá nặng, nhiều diện tích bị mất trắng hoàn toàn.

Thiệt hại về nông nghiệp nặng nề nhất, 109 m kênh mương bị hư hỏng, nước lũ gây bồi lấp 206 m3 đất các tuyến kênh, 4 đập bị 2 trạm bơm bị hư hỏng. Bên cạnh đó, 114 ha nuôi trồng thuỷ sản bị ngập của huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và Thăng Bình. Riêng đợt lũ từ ngày 14 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 6 người thiệt mạng trong lũ…