Tháng 2.2009, Lâm Đồng bắt đầu tiếp nhận Dự án ACDI/VOCA – phát triển sản xuất ca cao bền vững – do Tổ chức Hợp tác quốc tế về phát triển nông nghiệp của Hoa Kỳ tài trợ. Sau hơn 2 năm triển khai dự án, từ vài chục ha ban đầu, đến cuối tháng 8.2011 này, 3 huyện phía nam của tỉnh Lâm Đồng (Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên) đã có 1.200ha. Đồng thời, cũng tại 3 huyện này, 21 câu lạc bộ (CLB) ca cao với gần 1.000 hộ thành viên đã được ra đời để giúp nhau trong việc trồng và chăm sóc cây ca cao.
Cây ca cao đang phát triển khá tốt tại 3 huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng. |
Ca cao tự phát
“Điều đáng lo ngại là thấy ca cao mang lại lợi nhuận cao, nhiều hộ nông dân đã tự phát trồng loại cây này mà không theo một quy hoạch nào. Rồi nữa, việc bất chấp các loại cây giống của người dân, thực trạng không đủ khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh… cũng là điều dáng lo ngại khác trong phát triển cây ca cao ở địa phương” – một cán bộ có trách nhiệm ở huyện Đạ Tẻh đã phát biểu.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh ở xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh) hiện trồng hơn 700 gốc ca cao cho biết: “Lúc đầu, vì chưa thấy cái lợi của cây ca cao nên cán bộ huyện vận động vào dự án, tôi không mấy quan tâm. Sau, thấy bà con trong xã trồng nhiều, lại nhìn thấy triển vọng lớn của loại cây trồng mới này, tôi đã tự trồng hơn 700 gốc ca cao thay thế cho vườn sả hương chanh”.
Không chỉ riêng ông Huỳnh, hiện ở 3 huyện phía nam Lâm Đồng còn có rất nhiều hộ trồng ca cao một cách tự phát như vậy. “Chúng tôi chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích nhưng chắc chắn nạn trồng ca cao tự phát trong dân cần được cảnh báo” – một cán bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cho biết.
UTZ - không thể không nghĩ tới
Thực trạng trồng tự phát nói trên quả là điều đáng lo ngại. Bởi lẽ, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng mà còn là điều đáng báo động về khả năng khó kiểm soát dịch bệnh, từ đó làm cho dịch bệnh gia tăng trên loại cây trồng khá mới mẻ này của tỉnh.
Cũng vì thế, tiêu chuẩn UTZ đối với cây ca cao hiện nay của 3 huyện phía nam Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên đang là vấn đề đang được đặt ra. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn này không những làm cho sản phẩm đạt chuẩn quốc tế mà đó còn là một cách để loại bỏ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất theo phong trào như xưa nay của người dân nông thôn.
Một thực tế khác cũng cần đặt ra là, hầu hết những hộ tham gia vào các CLB ca cao ở các huyện phía nam là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, kỹ thuật canh tác của bà con còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, đối với một loại cây trồng khá mới, đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao, cơ quan chức năng của tỉnh cần đặc biệt chú trọng đến khâu chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con; hướng dẫn cụ thể cho bà con biết về thực hành nông nghiệp tốt (GAP), tổ chức sản xuất và quản lý tốt theo tiêu chuẩn UTZ, đảm bảo yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc…
Một ý kiến khác của nhà vườn trồng ca cao tại 3 huyện phía nam Lâm Đồng: Thực tế hiện nay, những hộ trồng ca cao một cách tự phát là những hộ nằm ngoài chương trình phát triển ca cao của tỉnh. Bởi vậy, đương nhiên họ không có quyền đòi hỏi những quyền lợi mà các hộ nằm trong dự án được hưởng. Tuy nhiên, vì sự phát triển chung của cây ca cao Lâm Đồng, vì sự an toàn và bền vững cây ca cao của cả vùng, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cũng cần nên có một cơ chế hợp lý đối với bà con thuộc diện “ngoài vùng” này.
Võ Khắc Dũng