Dân Việt

“Ngán” mì tôm, đàn ông vùng lũ thuê ghe, lội nước giúp vợ đi chợ

Dũ Tuấn 19/12/2016 14:32 GMT+7
Bị nước lũ cô lập nhiều ngày, sống cảnh không điện nên nhiều người dân tại Bình Định phải ăn mì tôm sống thay cơm. Ngay sau khi nước vừa rút, người đàn ông trong gia đình đã thuê ghe, lội nước lũ… giúp vợ đi chợ.

Ngày 19.12, nước lũ đã rút khỏi nhà, ông Dương Ngọc Á (52 tuổi, trú thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định) để vợ con ở nhà, theo ghe đi chợ tại TT.Tuy Phước để tìm thịt, cá, tôm...

Ông Á cho hay: “Nước lũ cô lập từ 3 ngày nay rồi, nhà ngập hơn 1 mét, mất điện, không có nước sôi nên cả nhà chỉ ăn mì tôm sống để qua bữa. Ngán đến tận cổ, thương nhất là đứa con gái 4 tuổi của tôi giờ thấy mì tôm là sợ lắm”.

img

Ông Dương Ngọc Á (52 tuổi, trú thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa) rời nhà đi chợ bằng ghe để mua thức ăn. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo ông Á, dù lũ rút khỏi nhà nhưng nhiều tuyến đường bị ngập sâu, trong khi đường đến chợ rất nguy hiểm nên đa phần người đàn ông trong vùng phải giúp vợ đi chợ trong mùa lũ bằng ghe. Vì đường sá bị chia cắt nên để phụ nữ đi chợ như mọi ngày thì không an tâm.

Ngôi nhà phía sau đã bị đổ sập do mưa lũ, điện vừa có nhưng nồi cơm điện, bếp gas… lại hư hỏng nên không thể sử dụng, vợ chồng ông Á phải dùng củi nhóm bếp để nấu cơm ở bên góc nhà đổ nát.

“Thường ngày tôi là người đi chợ, nhưng giờ nhà sau thì sập, đường đi bị chia cắt trong lũ, con còn nhỏ nên sáng nay (19.12) chồng tôi tự lo chuyện mua thức ăn. Giờ lũ cuốn sạch, cuộc sống của gia đình tôi quá mệt mỏi” - chị Phạm Thị Loan (45 tuổi, vợ ông Á) bộc bạch.

Bà Lê Thị Kim Loan (54 tuổi, trú xã Phước Nghĩa) cho biết: “Gần 2 tháng nay, tôi chưa thấy nổi mặt đường. Sáng nay đi ghe đến được chợ nhìn cá, tôm… mà mừng quá trời. Hy vọng lũ mau rút để chúng tôi còn ổn định cuộc sống. Tết sắp đến nơi rồi”.

img

Công việc đi chợ trong mùa lũ thường do đàn ông đảm nhiệm vì phải đi qua đoạn đường nguy hiểm. Ảnh: Dũ Tuấn

Ôm đứa con nhỏ trên tay để đi chợ, chị Nguyễn Thị Xoan (35 tuổi) chia sẻ: “Đi chợ bằng thuyền, vợ chồng tôi mỗi lượt qua về cũng hết vài chục ngàn. Đến chỗ dòng lũ cạn thì chồng cõng con rồi lội lũ để về nhà chứ đi thuyền suốt thì tiền đâu mà trả”.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, dù lũ đã rút nhưng tại tỉnh Bình Định vẫn còn 17 xã, phường với hơn 6.000 hộ dân bị chìm trong nước.

Ngày 19.12, tài xế Trịnh Văn Quyền (trú TP.Quy Nhơn) chở hàng cứu trợ với 4 tấn gạo, hơn 400 thùng mì cho người dân huyện Tuy Phước nhưng đi đến TT.Tuy Phước thì bị ngăn cách bởi nước lũ tại tuyến tỉnh lộ ĐT 640 (xã Phước Nghĩa).

“Nước ngập sâu hơn nửa mét, trong khi đoạn đường này bị hư hỏng nặng lại nằm chìm trong lũ nên ôi sợ nếu đi qua để đến xã Phước Nghĩa, Phước Thuận…. thì xe và người sẽ bị lũ cuốn trôi. Tôi đành chờ bên thuê tính phương án khác chứ băng lũ thì nguy hiểm lắm” - ông Quyền cho hay.

Để hỗ trợ người dân vùng lũ, hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đã phân bổ cho các địa phương với số lượng 15.000kg lương khô, 50.000 chai nước suối, 20.000 thùng mì tôm. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã tiếp nhận lương khô của Bộ Quốc phòng và đang triển khai phân bổ cho các địa phương như sau: An Nhơn 878kg, Tuy Phước 2.300kg, Phù Cát 900kg, đang phân bổ cho TP.Quy Nhơn và các huyện còn lại...