Dân Việt

Vợ cũ của chồng đưa ra câu hỏi khiến tôi sững người

N. Mai (HN) 20/12/2016 19:34 GMT+7
Chị nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng trầm buồn “Chị cảm ơn em rất nhiều. Nhưng em có thể trả lời chị một câu hỏi duy nhất này không: “Liệu em có thể thực sự đối xử với bé Bông như con ruột được không?” Tôi sững sờ, bởi đây chính là điều mà chính tôi băn khoăn nhất.

Tôi năm nay 30 tuổi, đã ly hôn và có 1 cậu con trai 3 tuổi. Anh hơn tôi 5 tuổi, cũng đã ly hôn và có 1 cô con gái 4 tuổi nhưng bé ở với ông bà ngoại. Chúng tôi làm cùng công ty nhưng khác bộ phận. Qua đôi lần tiếp xúc trong công việc, chúng tôi dần thân thiết hơn, quan tâm đến nhau nhiều hơn và khi biết rõ hoàn cảnh của nhau, chúng tôi không ngại đi xa hơn. Dự định cuối năm nay chúng tôi sẽ về một nhà, hợp thức hóa mối quan hệ bấy lâu.

Cu Bin nhà tôi cũng rất quý anh. Có lẽ cũng dễ hiểu bởi bé gần như không có ký ức về bố. Nên khi gặp anh, bé như có một người bố bên cạnh. Bé gọi anh là ba một cách rất tự nhiên và cũng chính bé tự gọi vậy mà chẳng ai bảo. Cả tôi và anh đều khá bất ngờ khi lần đầu tiên bé gọi như vậy. Mỗi khi nhìn anh và con chơi đùa với nhau, tôi lại có một cảm giác thật khó tả. Đó là niềm hạnh phúc, là sự ước ao và nhiều nhiều những thứ cảm xúc hỗn tạp khác. Tôi lặng lẽ quan sát mỗi khi anh ngồi với cu Bin, nhìn ánh mắt anh nhìn con, nhìn cách anh vuốt nhẹ tóc xõa trên mặt con khi ngủ… Tất cả đều cho tôi cảm giác tin tưởng. Tin tưởng rằng anh yêu con thật lòng chứ không chỉ là “làm hàng” với mẹ nó.

img

Câu hỏi mà người vợ cũ của chồng tôi đưa ra khiến tôi suy ngẫm. (Hình minh họa)

Về phần anh, con gái anh năm nay 4 tuổi nhưng bé cũng không được ở với cả bố lẫn mẹ từ lâu. Vợ chồng anh ly hôn vì chị ấy quá mải mê với công việc, học hành. Bé Bông được 6 tháng, chị cho bé cai sữa và lên đường đi du học. Một tay anh phải chăm sóc, bế ẵm con, nửa đêm dậy pha sữa cho con. Đến khi bé được 1 tuổi, quá thương con và cũng quá mệt mỏi cảnh gà trống nuôi con, anh đề nghị chị tạm gác việc học về chăm con. Chị đồng ý, nhưng là đồng ý một nửa. Chị về nước và mang theo bé Bông sang Úc. Bà ngoại bé cũng đi cùng. 1 năm sau, hai bà cháu về nước. Bé ở luôn với bà ngoại. Không thống nhất được quan điểm, hai vợ chồng anh ly hôn. Anh xin phép đón bé về nuôi nhưng bà ngoại bé không đồng ý. Bà bảo anh trước sau gì cũng đi bước nữa, cứ để bé cho bà chăm sóc. Dù sao đàn ông chăm con cũng không thể bằng bà, anh đồng ý để bé ở với ông bà ngoại. Cuối tuần anh lại sang chơi với con, đón con về nhà. Con bé bám bố nhưng không hiểu sao anh dụ dỗ ngon ngọt bé vẫn bảo con về bà ngoại. Chiều lòng con trẻ, anh lại trả con về ngoại. Cuộc sống của anh cứ như con thoi như vậy.

Đến khi quyết định đến với nhau, tôi đã ngồi với anh một buổi chiều ở quán café quen thuộc. Chúng tôi nói chuyện về cuộc sống tương lai, về gia đình về con cái. Tôi hỏi anh “Về bé Bông anh tính thế nào?” – “Thế nào là thế nào?” – “Thì về con. Anh vẫn định như bây giờ à? Anh vẫn đi về như con thoi giữa hai bên thế này à?” – “Thì biết làm sao bây giờ?”

Nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Đã tiếp xúc với bé khá nhiều khi bố bé đón về chơi. Bé rất ngoan, nhưng dường như già trước tuổi. Khác với những đứa trẻ ở tuổi lên 4, bé khá trầm tĩnh, không nhí nhảnh và có thể nói là rất “biết điều”. Bé không đòi bố bế ẵm bao giờ, bé không mè nheo xin xỏ một cái gì bao giờ. Người lớn nói gì bé sẽ răm rắp làm theo. Tôi nhớ mãi ánh mắt của bé khi lần đầu tiên tôi hứng chí nhấc bổng bé lên trời khi chúng tôi đang chơi đùa với nhau. Đó là ánh mắt vui sướng nhưng đầy ngạc nhiên. Tôi giật mình, hình như bé đã bị đánh mất tuổi thơ? Tôi nhen nhóm ý nghĩ sẽ đón bé về ở cùng khi chúng tôi kết hôn. Bé xứng đáng có một gia đình trọn vẹn.

“Anh nghĩ sao nếu chúng ta đón con về ở cùng?” – Tôi hỏi, phá tan cái bầu không khí u uất mà tự nhiên nó kéo đến. “Em nói gì cơ?” Anh ngạc nhiên hỏi lại. – “Em nghĩ mình sẽ đón con về ở cùng vợ chồng mình và cu Bin. Chẳng nhẽ con có đầy đủ bố mẹ lại phải ở với ông bà?” À, tôi phải nói thêm là mẹ bé cũng chuẩn bị đi bước nữa với một đồng nghiệp ở Úc và sẽ định cư luôn bên đó. Chúng tôi được biết mẹ bé chưa có ý định đón bé sang ở cùng do điều kiện chưa cho phép. “Mình đón con về ở cùng. Rồi nếu sau này chị ấy muốn đưa con sang Úc, mình sẽ để con quyết định cũng chưa muộn.”

Cứ tưởng mọi chuyện thế là xong. Bởi qua điện thoại, mẹ bé cũng đã đồng ý. Nhưng đến khi anh nói chuyện với ông bà ngoại bé, thì hai cụ không đồng ý. Lấy lí do mẹ kế con chồng chắc gì con đã được đối xử tử tế. Anh đã giải thích, hứa hẹn và chính bé Bông cũng đã thỏ thẻ nói “Con thích ở với bố và cô H (tên tôi)” nhưng ông bà bé vẫn không đồng ý. Chúng tôi không hiểu nổi tại sao ông bà lại làm thế bởi chính có lần ông bà đã thừa nhận nhìn tôi và bé không ai nghĩ là mẹ kế con chồng. Thậm chí, chính tôi đã phải gặp trực tiếp bà ngoại bé, thuyết phục, thề thốt nhưng vẫn không ăn thua. Thậm chí từ đó, chúng tôi đón bé cũng khó khăn hơn.

img

Tôi thật sự muốn mang lại cho con gái của chồng một mái ấm hạnh phúc. (Hình minh họa).

Một lần đón bé đi chơi, tôi hỏi: “Con có muốn về ở với cô với bố không?” Bé gật đầu mà không nói gì. Một lúc sau, tự nhiên bé nói: “Con về với bố thì ai nuôi cậu?” Hai chúng tôi sững sờ nhìn nhau. Thì ra mọi chuyện là vậy. Chẳng là trong thời gian bé ở với ông bà ngoại, mỗi tháng anh gửi cho con 10 triệu và mẹ cháu gửi thêm 5 triệu để ông bà cho cháu học trường quốc tế. Nhưng cuối cùng ông bà cho cháu học trường công với lập luận là thiên hạ học trường công vẫn thành tài đấy thôi. Mặc dù vậy, số tiền bố mẹ bé gửi ông bà không giảm đi. Cậu của bé, dù đã học xong đại học nhưng không đi làm chỉ ở nhà “ôm mông lớn”, chờ bố mẹ nuôi, trông chờ vào đồng lương hưu ít ỏi của ông bà. Thêm 15 triệu một tháng của bố mẹ bé gửi về coi như ông bà không phải nuôi ông con quý tử. Thảo nào, vừa thương cháu nhưng cũng là có thêm khoản “thu nhập”’ để trang trải cuộc sống nên dù thế nào ông bà cũng không cho bé về với bố.

Cuối cùng, cực chẳng đã, tôi đành gọi điện cho mẹ bé để nói chuyện và nhờ chị giúp đỡ. Đúng dịp về nước, chị hẹn gặp tôi. Chị nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng trầm buồn “Chị cảm ơn em rất nhiều. Nhưng em có thể trả lời chị một câu hỏi duy nhất này không: “Liệu em có thể thực sự đối xử với bé Bông như con ruột được không?” Tôi khựng lại, bởi đây chính là điều mà chính tôi băn khoăn nhất. Không khí im lặng bao trùm, một lúc sau tôi mới can đảm lên tiếng “Em không dám hứa trước điều gì cả. Nhưng có một điều em biết chắc, là em sẽ yêu thương bé như yêu thương bố bé và sẽ luôn công bằng trong mọi phán xử giữa các con”. Chị nhìn tôi, và bảo “Được rồi, em yên tâm. Chị sẽ nói chuyện với bố mẹ chị. Chị sẽ để em và anh ấy nuôi bé Bông. Nhưng đến khi chị đủ khả năng, chị sẽ đón bé sang Úc.”

“Vâng, nếu bé muốn vậy!” – tôi trả lời.

Cuối cùng thì gia đình tôi cũng đoàn tụ. Nhưng lòng tôi vẫn canh cánh lời hứa với mẹ bé. Liệu có lúc nào đó, tôi bị sự ích kỷ lấn át mà thiếu công bằng giữa các con? Dù yêu thương con, nhưng thực sự, mối quan hệ mẹ kế - con chồng hình như lúc nào cũng khó khăn và bị người đời dòm ngó?