Ngư phủ chèo xuồng thả lưới giăng câu, thu hoạch đầy tôm cá. Người đặt chà săn bắt chuột đồng, lươn, cua… đem về số tiền lớn. Người đan lưới, đan lọp làm không kịp trở tay. Tất cả đều là nông dân và không thể làm đồng, vì ruộng nhà họ chìm sâu dưới làn nước bạc.
Nước bao la thiên địa, muốn đi đâu cũng phải chèo xuồng. Theo lệ, cứ hai năm con nước nhỏ thì năm tiếp theo nước lớn. Nước càng lớn người ta càng mừng vui, nhờ thu nhập từ các sản vật do nước đem về càng nhiều.
Cá linh non là sản vật đặc trưng mùa nước nổi miền Tây. Ảnh: Đ.K.
Mùa nước nổi cũng là mùa vàng bông điên điển. Các cô, các chị đua nhau chống xuồng đi hái. Nước tràn không thấy rạch, nhưng vẫn thấy bờ, nhờ hai vạt cây trồi cao. Hai vạt cây xanh ấy điểm xuyến lưa thưa những cánh bông vàng rực màu nắng đất phương Nam. Đó là bông điên điển.
Bông điên điển về nhà lặt rửa sạch trở thành vài món ngon. Mùa nước nổi cũng là mùa tép. Bông điên điển xào tép cho bữa cơm đậm đà hương vị. Đây cũng là mùa rộ tép mòng. Tép mòng lựa, rửa sạch cùng bông điên điển hành tây xắt nhỏ trộn nước mắm, dấm, đường, tỏi, ớt là món gỏi làm hao cơm, nhất là tốn rượu với cánh đàn ông chài lưới cá đang mùa. Đây cũng là mùa cá linh rộ. Cá linh non kho lạt với me non dằm ớt chấm bông điên điển là bữa cơm ngon trong một chiều mưa gió ủ ê mà lòng người rộn nở niềm hân hoan. Bông điên điển trộn giá sống làm dưa chấm nước cá kho khiến nồi cơm cạn đáy...
Từ vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các đập thủy điện từ thượng nguồn sông Mekong chặn đứng dòng chảy, khiến cho mùa nước nổi ở miền Tây thấp tè, nghèo nàn sản vật, không còn trù phú như thuở nào.