Dân Việt

Nông sản Việt chinh phục nước Nhật: Không thể thiếu… tấm danh thiếp

Thiên Hương 22/12/2016 15:30 GMT+7
Nhật Bản được đánh giá là thị trường nhập khẩu tiềm năng đối với nhiều loại nông sản Việt, nhất là rau củ, trái cây. Thế nhưng thị trường Nhật cần mặt hàng cụ thể nào, người Nhật và các doanh nghiệp (DN) Nhật có những yêu cầu gì?... Đây là những vấn đề mà các DN Việt Nam cần nắm rõ...

Hiểu rõ để không lỡ cơ hội

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), hiện nay cửa xuất khẩu hàng nông sản sang Nhật Bản rất rộng mở, có thể đem về kim ngạch không nhỏ cho đất nước bởi đây là thị trường cao cấp, có giá trị tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cả tốc độ tăng trưởng kim ngạch cũng như thị phần xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn.

img

Thu hoạch xoài cát Hòa Lộc đạt VietGAP ở Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Vũ

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất được gần 10.000 tấn quả tươi sang các thị trường khó tính, tăng gấp đôi so với cả năm 2015. Trong đó, thanh long xuất khẩu đi Hoa Kỳ đạt trên 2.600 tấn, Nhật 1.000 tấn, Canada hơn 900 tấn, Hàn Quốc đạt 600 tấn; xoài xuất sang Nhật và Hàn Quốc đạt hơn 350 tấn... Hiện Cục BVTV đang thực hiện thí nghiệm kiểm chứng diệt trừ ruồi đục quả trên thanh long ruột đỏ theo yêu cầu của Nhật Bản. Dự kiến kiến đầu năm 2017, Nhật sẽ chính thức cho phép nhập khẩu mặt hàng này.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt xấp xỉ 50 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015; tính đến tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản đạt 62,4 triệu USD, chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ. Trong khi các thị trường khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ tăng lần lượt 41,6%, 20,6% và 50,7% so với cùng kỳ, và về thị phần, 3 thị trường này chiếm lần lượt 70%, 3,6%, 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, còn thị trường Nhật vẫn chỉ chiếm 3% dù dư địa rất dồi dào.

Theo phân tích của Ipsard, nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Nhật còn thấp là nhiều DN Việt Nam chưa nắm bắt được đặc trưng, văn hoá của thị trường và thị hiếu của người Nhật Bản. Người Nhật hoạt động trên cơ sở tin tưởng, lấy chữ tín làm đầu. Thị trường Nhật Bản luôn luôn có sự cải tiến, đổi mới về kỹ thuật ngày càng hiện đại.

Ông Nguyễn Bảo – Tham tán công sứ Việt Nam tại Campuchia cho biết, khi làm việc với các đối tác Nhật, các DN Việt Nam cần lưu ý là phong cách làm việc, giao dịch của các DN Nhật Bản rất nghiêm chỉnh, lễ nghi, tôn trọng nhau. Trong văn hoá kinh doanh, giao tiếp với người Nhật, có 4 vấn đề mà các DN Việt Nam cần chú ý, đó là cách chào hỏi nghiêm túc, đúng giờ, làm việc ngoài giờ và phải có danh thiếp. Thiếu 1 trong 4 yếu tố trên, mà đặc biệt là thiếu danh thiếp vì lý do quên không mang hoặc không có, coi như việc hợp tác làm ăn sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, DN Nhật luôn tìm hiểu kỹ trước khi hợp tác làm ăn, nên khi gặp gỡ không nên nóng vội.

Bên cạnh đó, việc cần làm ngay khi xuất nông sản vào thị trường Nhật là phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm theo Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật, đồng thời chú trọng vấn đề kiểm dịch động thực vật theo quy định của Nhật Bản đối với nhiều loại trái cây tươi và thịt gia súc gia cầm xuất khẩu để xây dựng uy tín cho những ngành hàng xuất khẩu này của Việt Nam vào thị trường Nhật.

Không riêng gì Nhật Bản mà hầu hết các thị trường đang ngày càng thắt chặt các biện pháp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các hàng hoá nhập khẩu. Các mặt hàng khi đến thị trường Nhật Bản phải đáp ứng 5 yếu tố (5S) gần như đã thành quy chuẩn gồm: Sạch sẽ, sàng lọc, cắt bỏ những thứ không cần thiết, môi trường trong sạch và để đồ đạc ngăn nắp. Người Nhật nói chung và DN Nhật Bản coi trọng đảm bảo yếu tố chất lượng, giá cả và sự chuyển giao hàng đúng thời hạn. Theo đó, các sản phẩm khi sang thị trường Nhật phải đảm bảo chất lượng đồng loạt, tương đương nhau cũng như mức giá phù hợp.

Trưởng thành hơn nhờ sự khó tính

Ngoài thị trường Nhật, tiềm năng xuất khẩu rau quả, trái cây và các mặt hàng nông sản nói chung ra các thị trường khác còn rất dồi dào. Mặc dù các thị trường Nhật Bản, hay châu Âu... chiếm thị phần khiêm tốn trong kim ngạch xuất khẩu, lại thường đòi hỏi cao, nhưng có một thực tế là hầu hết DN Việt Nam đều mong muốn đưa được sản phẩm của mình vào những thị trường khó tính này. Bởi một khi hàng nông sản của DN đó xuất hiện trong các siêu thị lớn ở Nhật, châu Âu thì uy tín, thương hiệu DN sẽ tăng lên rõ rệt.

Ông Nguyễn Thành Nhơn – Chủ nhiệm HTX xoài cát Hoà Lộc (Tiền Giang) – đơn vị đã có hơn 10 năm xuất khẩu xoài sang Nhật cho rằng, làm ăn với người Nhật luôn phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của họ, đặc biệt là phải giữ chữ tín. Ông Nhơn cũng chia sẻ thời gian đầu khách hàng Nhật Bản kiểm soát quy trình trồng, kiểm tra mẫu rất gắt gao, sau khi HTX đã đạt chứng nhận VietGAP, thì việc kiểm soát dễ dàng hơn.

Theo nghiên cứu, đánh giá của Công ty Dream Incubator Nhật Bản (DI) qua Dự án “Hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp Lâm Đồng”, Nhật Bản hiện là thị trường lớn nhất châu Á đối với các sản phẩm rau, củ đã qua chế biến (chiếm từ 66-70% lượng nhập khẩu của châu Á). Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng tăng thì sản xuất tại chỗ của nước này đang bị thu hẹp. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, trở thành nguồn cung ổn định cho thị trường Nhật Bản.

Việt Nam đã mất 8 năm đàm phán để đưa được thanh long vào Nhật Bản, và mất thêm 5 năm để đưa quả xoài đến xứ sở mặt trời mọc. Thành tích này cũng đánh dấu bước phát triển của công nghệ xử lý hoa quả tươi tại Việt Nam, khi các nhà sản xuất đã có thể giải quyết căn bệnh sâu đục quả xoài bằng công nghệ hơi nước. Cũng chính vì thế mà các chuyên gia đều xem thị trường Nhật là “bài kiểm tra nghiêm khắc” cho chất lượng hoa quả Việt Nam. Việc thâm nhập thành công vào thị trường khó tính này cũng sẽ giúp chúng ta mở thêm những cánh cửa xuất khẩu sang các nước phát triển khác.