Bà Nguyễn Hà - huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang hỏi: Bố đẻ tôi tên là Nguyễn Hồng Tề, sinh năm 1925, là cán bộ tiền khởi nghĩa và thương binh mất sức 61%, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện trong mình rất nhiều thương tật do chiến tranh để lại (vết thương cánh tay, vết thương chột, bả vai, đường nách sau trái, lưng trái, hai phổi bị lao, còn nhiều dị vật trong phổi trái). Sau khi trở về địa phương bố tôi đã được điều trị nhiều lần ở Bệnh viện Quân y 110. Năm 2013, được Ban giám đốc bệnh viện cấp giấy báo tử kèm bệnh án và biên bản kiểm thảo tử vong. Với các thủ tục giấy tờ trên bố tôi có đủ điều kiện để làm hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ không? Nếu không, trường hợp của bố tôi còn cần giấy tờ gì nữa?
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, thương binh:
"1. Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ:
... người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp sau:
- Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế;
- Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên".
Thủ tục hồ sơ theo quy định tại Điều 3, Điểm b Khoản 8 Điều 4, Điều 5 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đề nghị ông đối chiếu với quy định nêu trên, nếu đủ điều kiện thì liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang để được xem xét, hướng dẫn theo thẩm quyền.