Bóp đất của nhà đầu tư
Chủ đầu tư của dự án này giờ là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Đạt nhưng việc thu tiền của các thành viên góp vốn những giai đoạn tiếp theo vẫn do Ban đại diện dầu khí thu để chuyển lại cho Công ty Song Đạt.
Cỏ dại mọc đầy trên diện tích đất thuộc Dự án khu biệt thự dầu khí. |
Tháng 8.2003, Hợp đồng góp vốn đầu tư triển khai dự án được ký kết giữa ba bên: Chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Đạt, Ban đại diện dầu khí và các thành viên góp vốn trên khu đất 222.786m2, trong đó phần đầu tư của các nhà đầu tư là 15ha nền.
Theo cam kết trong hợp đồng, chậm nhất 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, các thành viên góp vốn sẽ được nhận nền. Tuy nhiên, sau đó dự án chỉ được chủ đầu tư thực hiện trên diện tích 180.258m2 đất.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên – đại diện cho các thành viên góp vốn có đơn tố cáo cho rằng, chủ đầu tư đã có dấu hiệu khuất tất, cố ý chiếm dụng tiền của các thành viên góp vốn trong khi đã biết dự án không có đủ quỹ đất để thực hiện theo cam kết nhưng vẫn buộc các thành viên góp vốn theo đúng tiến độ ban đầu.
Ngoài ra, theo các nhà đầu tư, chủ đầu tư đã tự ý quy hoạch chi tiết, giảm diện tích đất nền, đồng thời buộc các thành viên góp vốn phải nhận nền với diện tích chỉ còn 250m2 (loại nền 44 lượng vàng SJC) không đúng như cam kết ban đầu là 500m2.
Anh Đỗ Văn Trường bức xúc cho biết, lẽ ra chúng tôi phải nhận đủ số đất 465m2 như hợp đồng đã ký kết nhưng thời điểm bốc thăm nhận đất thì chủ đầu tư thông báo chỉ giao một nửa diện tích đất mà lại không có hạ tầng như xây bờ kè chống sạt lở.
Lý giải về điều này, bà Trần Thị Quy – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Đạt (đơn vị chủ đầu tư dự án) - chối quanh, diện tích bị giảm gần một nửa do phải tuân thủ quy hoạch theo quy định của Nhà nước, dành đất cho các công trình giao thông, công cộng, cây xanh. Bà Quy cho biết chỉ nhận được 72% giá trị nền từ Ban đại diện dự án nên không có tiền để làm dự án.
Thiếu minh bạch
Theo các thành viên góp vốn, ngày 14.6.2004 UBND TP.HCM đã có ý kiến trường hợp này dự án đầu tư không phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xem xét, chấp thuận mà chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án.
“Không thể đổ lỗi cho Nhà nước, so sánh quy hoạch 1/2000 và 1/500, thấy diện tích đất dành cho cây xanh, giao thông và các công trình công cộng không thay đổi gì nhưng diện tích đất ở thì giảm đi rất nhiều” – chị Liên phân tích.
Ngay cả ông Nguyễn Quốc Quân – thành viên Ban đại diện dầu khí – cũng thừa nhận các thành viên góp vốn bị mất gần một nửa diện tích đất vì lý do quy hoạch là có nhưng mất 50% đất như thế là hơi quá.
Theo luật sư Phan Trung Hoài, trong trường hợp thuyên giảm diện tích đất mà chủ đầu tư trao đổi với các thành viên góp vốn một cách rõ ràng thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản nhưng ở đây chủ đầu tư đã không giải trình được một lượng lớn diện tích đất bị thiếu hụt và thiếu minh bạch trong chuyện đó khiến quyền lợi của nhà đầu tư bị thiệt hại.
Anh Đỗ Văn Trường cho biết, chủ đầu tư làm đường nội bộ chỉ còn 6m so với ban đầu là 8m rồi tính toán mỗi thành viên góp vốn chịu mức phí 204 triệu đồng để nhựa hóa 36m2 là quá đắt và khó có thể chấp nhận.
Nhà đầu tư Huỳnh Chí Thiện và Nguyễn Duy Luân đồng quan điểm cho rằng chủ đầu tư đã tự ý đưa ra mức phí bất hợp lý và hoàn toàn không có sự thỏa thuận trước mà bắt ép họ đóng theo mức phí đưa ra. Ngay cả bờ kè chống sạt lở theo cam kết giai đoạn I phải hoàn thành nhưng đến giờ bà Trần Thị Quy vẫn mạnh miệng bảo rằng do “không muốn xây kè”.
Theo quy định, một dự án nếu sau 12 tháng không đảm bảo hạ tầng sẽ bị thu hồi đất. Không hiểu các cơ quan chức năng TP.HCM nghĩ gì khi để dự án kéo dài đến gần 10 năm mà chưa đâu vào đâu?
Võ Đức Phúc