Chỉnh sửa để phù hợp với thực tế
Tại hội nghị an toàn giao thông Việt Nam năm 2016 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng: “Ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trong những năm vừa qua, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tai nạn giao thông tại các địa phương từng bước được khắc phục”.
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Nguyễn Hòa
Mỗi ngày có 24 người chết và 60 người thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. Ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở các thành phố lớn. |
Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT)và tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp. Mỗi ngày có 24 người chết và 60 người thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. Ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở các thành phố lớn, thậm chí hàng chục chuyến bay lần lượt chờ hạ cánh trên bầu trời ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Phó Thủ tướng đã đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia đề xuất các công trình nghiên cứu sửa đổi hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật về trật tự ATGT; công nghệ ATGT thông giai đoạn 2016-2020 trong đó trọng tâm là hoàn thiện dữ liệu trật tự ATGT, cơ chế phối hợp chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị liên quan. Trong đó, việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ nhằm đáp ứng những thay đổi thực tiễn trong lĩnh vực giao thông hiện nay ở nước ta.
Đề nghị tách Luật Giao thông đường bộ
Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội ATGT Việt Nam đã nêu ra 8 điểm cần sửa đổi trong Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, có những điểm theo ông Quyền là cần được bổ sung mới để đảm bảo quyền lợi của người dân. Ông Quyền cho hay: “Như thời gian qua, chúng ta thấy nhiều tuyến đường cũ không mở rộng, chỉ thảm lên một lớp rồi thu phí. Tôi đề xuất phải quy định rõ, khi đầu tư đường mới hoàn toàn mới được thu phí, phải duy trì đường cũ hoặc làn đường cũ để người dân đi không mất phí.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho rằng ở nhiều nước thường có 2 – 3 luật để điều chỉnh về lĩnh vực giao thông. Thiếu tướng Hà phân tích: “Không thể để quá nhiều quy định chung trong Luật Giao thông đường bộ. Nên chăng sẽ sửa thành 2 luật: Luật Trật tự an toàn giao thông và Luật Đường bộ? Điều này nhằm tách riêng nhóm hạ tầng và phương tiện để quản lý”. Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội ATGT khi cần có quy định cụ thể về quản lý hạ tầng để tránh việc lập dự án đầu tư BOT chỉ cần thảm lại mặt đường cũng có thể đứng ra thu phí của người dân.
Tại hội nghị, nhiều đề xuất chống ùn tắc giao thông cũng được kiến nghị đưa vào luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện. Ví dụ như việc tập trung phát triển nhanh giao thông công cộng; đưa ra hành lang pháp lý để hạn chế xe cá nhân vào Luật Giao thông đường bộ, áp dụng thu phí đối với xe ôtô vào nội đô, bố trí các cơ quan công sở, doanh nghiệp, trường học làm việc lệch giờ.
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: “Điểm mới của năm nay là có nhiều trao đổi về bất cập và kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ tại Việt Nam, trong đó đặc biệt tập trung vào việc sửa đổi bộ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tôi đề nghị các bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT các địa phương quan tâm tiếp thu những kết quả nghiên cứu để triển khai ứng dụng trong công tác bảo đảm ATGT ngay từ năm 2017 và các năm tiếp theo”.