Đang theo học ở một trong những trường đại học lớn của Mỹ, chắc hẳn bận rộn, vậy bạn viết sách vào lúc nào?
Viết là một việc ưu tiên của mình nên dù bận mình cũng phải dành thời gian viết chứ. Mình cố gắng mỗi ngày viết một tiếng, dù đó là viết blog hay viết sách hay chỉ viết những cái vớ vẩn không đưa public.
Bây giờ đi học không có thời gian cả tháng ngồi ngâm một cuốn sách, nhưng mỗi khi gặp được ai đó thú vị hay nghe được câu chuyện mà giúp mình rút ra được bài học gì đó, mình ghi chép lại. Lâu lâu tự nhiên được một cuốn sách.
Cuốn sách này có điều gì đặc biệt so với 2 cuốn trước, có phải là sự nối dài hành trình của Huyền Chip hay là một tác phẩm độc lập?
Ban đầu công ty sách định đặt tên là "Xách ba-lô lên và Đi: Stanford", nhưng mình không chịu vì đây không phải là phần tiếp theo của series "Xách ba lô lên và Đi". Đây là một cuốn sách độc lập.
Với bản thân mình, đi học là sự tiếp nối sau những chuyến đi bụi. Nhưng nội dung của cuốn sách này khá khác nội dung của hai cuốn sách trước, phản ánh sự thay đổi trong suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc sống của mình. Như review của chị Rosie Nguyễn, tác giả cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, về cuốn sách mới này của mình:
“Quan điểm thay đổi so với trước và hướng về những điều sâu sắc hơn, một dịch chuyển tích cực, ví dụ như chuyện không đi nhiều nữa vì biết đi là chỉ vì mình chứ không tạo ra giá trị, và mục đích cuộc sống không phải là hạnh phúc mà là làm việc có ích”.
Huyền Chíp bây giờ hết trẻ con rồi
Bạn có thể phác thảo đôi nét về chính mình thông qua 3 cuốn sách? Bạn thấy mình thay đổi thế nào từ cuốn số 1, số 2 và số 3?
Mình thay đổi nhiều chứ. Hết tuổi trẻ con rồi thì bây giờ phải làm người lớn.
Trong hai cuốn sách trước, mình thích gì thì làm bừa đi: chán làm thì bỏ việc đi chơi, chán nước này phủi mông đi sang nước khác. Hồi đấy, mình biết là mình còn trẻ nên nếu chẳng may có làm gì sai thì sẽ có nhiều thời gian làm lại. Nhưng bây giờ mình bớt trẻ rồi nên cũng suy nghĩ nhiều hơn đến hậu quả của việc mình làm. Mình không còn bồng bột làm một việc gì đó chỉ vì thích, mà cân nhắc hơn mục tiêu cuộc sống của mình là gì để làm sao đến gần được nhất với mục tiêu đó.
Mình cũng ít suy nghĩ về hạnh phúc cá nhân hơn. Mình sống ít ích kỷ hơn, mong muốn làm được điều gì đó góp ích được cho xã hội.
Cách yêu của mình bây giờ cũng khác. Ngày trước gặp ai dễ thương thì mình yêu bừa đi mà không tính toán chuyện tương lai. Nhưng bây giờ, mình hiểu rõ hơn về những điều mình mong muốn trong một mối quan hệ tình cảm, nên chuyện yêu của mình có lẽ cũng vì thế mà sâu sắc hơn.
Cô gái trẻ đã một mình khám phá nhiều vùng đất mới
Khi 2 cuốn sách đầu của bạn ra mắt độc giả, "lực lượng antifan" đã ném đá dữ dội và làm cho mọi chuyện căng thẳng quá mức cần thiết, điều đó có làm bạn nản chí khi ra cuốn thứ 3 này?
Mình không nghĩ đến họ như "antifan". Mình làm điều gì đó họ chưa hài lòng, và họ thể hiện sự không hài lòng của họ. Hồi đó thì mình thấy căng thẳng, nhưng bây giờ nhìn lại thì mình thấy đó là điều hoàn toàn bình thường.
Vấp váp khiến mình nhận ra những thiếu sót của mình để mà sửa sai, chứ không phải là điều khiến mình nản chí. Những ồn ào đó khiến mình trưởng thành hơn và thận trọng hơn. Về một khía cạnh nào đó, nó giúp mình viết có chiều sâu hơn.
Dường như mọi người rất định kiến với những bạn gái có sở thích "đi phượt" trong và ngoài nước, gần đây 1 bạn gái trẻ cũng bị "ném đá" khi kể về hành trình đi xuyên nước Mỹ với 300 USD, bạn nghĩ gì về tình trạng này?
Mình thực sự không có nhiều thông tin về vụ "gạch đá" này. Mình chỉ biết là có đá ném sau khi đọc bài viết trên facebook của Linh về sự việc. Mình với Linh khá thân thiết, nên mình e là ý kiến của mình sẽ bị nhiều người coi là “thiên vị”. Cái mình có thể nói là Linh có kể với mình về chuyến đi, và khi mình kể với bạn bè bên này về chuyến đi đó, không ai có phản ứng như những gì bạn liệt kê ở trên. Bên này, đi roadtrip là việc bình thường, và ngân sách $300 cho một chuyến roadtrip ngắn với 3-4 người là một chuyện hoàn toàn khả thi.
Một điều mình nhận ra là ở Việt Nam, hình như mọi người không tin tưởng vào truyền thông. Khi đọc một tin tức nào đó, vì không tin tưởng vào truyền thông, chúng ta phải dựa vào trải nghiệm của bản thân, trải nghiệm của những người mình quen biết, hay thậm chí là định kiến của bản thân để đưa ra ý kiến. Nếu bản thân không làm được một việc gì đó, mình hay chụp mũ rằng không ai khác có thể làm được việc đó.
Bạn nhắc đến những bạn gái có sở thích “đi” làm mình tự nhiên nhận ra rằng nhân vật của nhiều vụ ồn ào lieên quan đến việc đi là phái nữ. Mình không biết đây có phải là do các đấng nam nhi Việt nhường các bạn gái chân yếu đá mềm đi ra khám phá thế giới, hay văn hoá đạo Khổng thực sự khiến mình "săm soi" phái nữ nhiều hơn.
Huyền Chíp trong chuyến đi chơi cùng bạn bè
Có người nói "con gái mà thích đi phượt, thích khám phá những chân trời mới lạ chứ không chịu ngồi yên một chỗ là tuýp "không phải dạng vừa đâu", và dường như luôn có định kiến với những bạn gái dũng cảm này. Quan điểm của bạn thế nào?
Mọi người cứ nói câu “không phải dạng vừa đâu” như thể nó là một câu chê ý nhỉ. Như mình thấy, “không phải dạng vừa đâu” nghĩa là mình không phải dạng tầm thường, sẽ không chịu đặt đâu ngồi đấy, không để cho phái nam muốn làm gì mình thì làm. Thế thì khen quá đi ý chứ! Nếu sau này mình có con gái, mình sẽ chỉ mong nó là “không phải dạng vừa đâu.”
Bạn có điều gì đặc biệt muốn kể về cuốn sách này, và những dự định trong tương lai khi học xong?
Cuốn sách này mình viết xong đã lâu, từ hồi hè năm thứ nhất, nhưng chần chừ mãi không ra vì bận. Đến tận cách đây hơn một tháng mới nhận ra rằng mình sắp có 1 tháng về Việt Nam nên mới tranh thủ ra mắt sách. Vì lịch ra mắt sách gấp, các bạn làm công ty sách toàn phải thức đêm nói chuyện với mình thì lệch múi giờ!
Về dự định trong tương lai, có hai việc quan trọng với mình là viết và làm nghiên cứu. Mình đã bắt đầu học thạc sĩ. Sau khi hoàn thành thạc sĩ vào năm 2018, mình hy vọng có thể tiếp tục học lên tiến sĩ và trở thành nhà nghiên cứu. Mình cũng vừa viết xong một cuốn sách tiếng Anh về văn hoá Việt Nam, hi vọng có thể ra mắt vào năm 2017.
Xin cảm ơn bạn!
Cuốn sách "Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford” không phải là một cuốn cẩm nang du học với những gợi ý đi đâu, ăn gì, hay làm sao để nhận học bổng. Nó cũng không phải là một cuốn sách về Huyền Chíp. Cuốn sách này là "câu chuyện của Jaime - cậu hàng xóm thiên tài tin rằng cuộc sống là để cống hiến, không phải để cảm nhận, những kẻ tìm kiếm hạnh phúc cá nhân là những kẻ ích kỷ. Đó là câu chuyện của Ari - anh chàng trở thành đại kiện tướng cờ vua khi mới mười ba tuổi, quyết định từ bỏ thế giới đen trắng quay trở lại trường học để có thể có một cuộc sống bình thường như ai đó. Đó là câu chuyện của những cô bé, cậu bé với cuộc sống tưởng như hoàn hảo - thành công nắm chắc trong tầm tay - nhưng thực sự họ vẫn luôn nghi ngờ bản thân, phải đấu tranh với bệnh trầm cảm, gục ngã trước áp lực và phải tỏ ra hạnh phúc. Tôi muốn chia sẻ những câu chuyện đó với mọi người bởi ở Việt Nam, chúng ta hay nhắc đến giấc mơ du học nhưng phần lớn chỉ nhắc đến chuyện bảng xếp hạng, học phí, chuyên ngành mà ít khi nói về cuộc sống trong môi trường đại học của Mỹ thật sự là như thế nào"- Huyền Chíp. |