Dân Việt

Oan cho tôm thẻ chân trắng?

25/08/2011 19:01 GMT+7
(Dân Việt) - Liệu Bộ TNMT có đúng không khi đưa con tôm thẻ chân trắng (TTCT) vào danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại? Trước mắt, Bộ này đang gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Bộ NNPTNT.

Do bận việc, nên mới đây, tiến sĩ Trần Ngọc Hải - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi Hải sản (khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ), mới biết thông tin Bộ TNMT đưa TTCT vào danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Ông sửng sốt: “Có thể nói, TTCT đã nuôi khắp toàn cầu! Hiện nay, TTCT chiếm khoảng 98% sản lượng tôm nuôi của Thái Lan, ở Indonesia cũng chiếm khoảng 80%...”. Và ông băn khoăn rằng, một loài vật nuôi đã thông dụng như thế, sao lại bị Bộ TNMT đối xử như vậy?

img
Hiện nay, năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng có thể cao gấp 2 - 3 lần tôm sú.

Chưa thấy hại!

Như NTNN đã thông tin, từ khoảng mười năm trước, TTCT đã được nhập vào Việt Nam nuôi thử nghiệm, dưới “cái nhìn” dè dặt của chính Bộ Thủy sản (sau này sáp nhập vào Bộ NNPTNT). Nhiều chuyên gia lo ngại, đây là loài tôm có thể lan truyền bệnh Taura… cho con tôm sú đang nuôi ổn định trước đó. Và các cơ quan chức năng đã khá thận trọng, khi chỉ cho phép nuôi thử nghiệm tại miền Trung, một vài nơi tại ĐBSCL.

Nhưng từ những mô hình thử nghiệm thành công, diện tích nuôi TTCT âm thầm lan dần. Theo nhiều nông dân đã nuôi loại thủy sản này cho biết, ưu điểm vượt trội của TTCT là lớn nhanh (có thể thu hoạch sau 3 tháng). Nếu nuôi với mật độ cao và đạt, năng suất có thể cao gấp 2-3 lần tôm sú.

Còn ở ĐBSCL, trong khi những tháng qua tôm sú nuôi bị dịch bệnh chết hàng loạt, thì nhiều diện tích nuôi TTCT vẫn “bình yên vô sự”. Tuy vậy, đây chỉ là điều ngẫu nhiên, không hề chứng minh ưu điểm nào của con TTCT so với tôm sú. Nhưng chính điều này, theo một chuyên gia ngành thủy sản: “Nó minh chứng rằng, con tôm nào cũng bị bệnh và có thể lây lan qua lại hoặc không! Đừng cứ đổ lỗi cho TTCT dễ lây lan bệnh…”.

Được thị trường đón nhận

Nhiều công ty chế biến thủy sản khác ở Việt Nam cũng đã quen dần với TTCT nguyên liệu. Thực ra, sản phẩm TTCT đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới từ lâu, và nơi cung cấp là các doanh nghiệp Thái Lan... Việt Nam đã đi sau họ!

Giám đốc Công ty Tư vấn Thủy sản ở Cần Thơ, khẳng định: “Thái Lan hiện vẫn đang xem TTCT là đối tượng nuôi chủ lực. Và tất nhiên, việc nuôi TTCT là bình thường”. Ở Ấn Độ, khoảng 1.200ha cũng đã được cấp phép nuôi TTCT, và chỉ với điều kiện phải khoanh vùng, không đặt vùng nuôi kế cận những trang trại nuôi các loài tôm khác… Còn tại Việt Nam, sau thời gian dài làm quen với TTCT, gần đây Bộ NNPTNT cũng thay đổi cách nhìn với loài tôm này. Việc tăng diện tích được khuyến khích, tuy nhiên phải khống chế là chỉ nuôi ở những vùng phù hợp, đã có quy hoạch, quản lý chặt chẽ.

Theo tiến sĩ Trần Ngọc Hải, chuyện TTCT lai tạp với tôm bản địa hoặc cạnh tranh môi trường sống như lo ngại của Bộ TNMT, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào!

Nhưng giả sử nếu Bộ TNMT “thắng”, điều gì sẽ xảy ra? Trước mắt, chủ nhân của những ao tôm đã và đang nuôi TTCT sẽ không gặp khó khăn. Nhưng phía lao đao nhất chính là những doanh nghiệp nhập khẩu tôm giống! Bởi lẽ khi đó, nếu muốn nhập tôm giống (TTCT) từ Hawaii (Mỹ) hoặc Ecuador… đương nhiên các doanh nghiệp phải ra tận Hà Nội để xin “giấy phép con” từ Bộ TNMT.

Trong khi đó, do TTCT hiện nay “hút hàng”, nên rất nhiều doanh nghiệp đang tham gia nhập khẩu để nghiên cứu hoặc cung cấp cho người nuôi. Một doanh nghiệp, cho biết: “Hiện nay, muốn nhập khẩu tôm giống (TTCT) phải xin 2 giấy phép từ Bộ NNPTNT”.

Nếu Bộ TNMT cương quyết đưa TTCT vào danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, sẽ không ngạc nhiên nếu sau này phải xin thêm một “giấy phép con” từ chính Bộ này, mỗi lần muốn nhập khẩu. Và điều mà nhiều doanh nghiệp ngán ngẩm và không lạ, rằng họ sẽ bị “hành” ít nhiều vì những “giấy phép con” như vậy!