Ông Nguyễn Văn Nhân- Chủ tịch Hội ND xã Hải Thượng rất ngưỡng mộ mô hình trồng sen của anh Lê Công Sự. Ông bảo, người ta trồng sen trong đầm, còn anh Sự thì trồng trên cát. Cái gì chứ cát thì Hải Thượng không thiếu. Nhìn phía nào cũng thấy mênh mông cát trắng bạc màu. Chỉ có cỏ dại và phi lao trụ nổi đất này trong những mùa hè bỏng rát.
Mỗi năm sen đem về cho vợ chồng anh Sự 50-60 triệu đồng. |
Ngay từ nhỏ, anh Sự đã nuôi ước mơ làm thế nào để đồng cát quê mình có cây cối xanh tươi, giàu sự sống. Ước mơ này cứ thôi thúc trong anh suốt nhiều năm là sinh viên. Ngày ra trường, trong khi bạn bè đồng nghiệp lo tìm trường này, trường kia để dạy thì anh lặng lẽ về quê… trồng sen.
Lúc đó, gia đình ai cũng ngăn cản với lý do "Nhiều người muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, mình lại lao đầu về quê". Nhưng Sự không đổi ý. Anh làm đơn xin huyện cấp đất làm trang trại trên cát. "Ưu điểm của vùng cát trắng này là có nguồn nước tự nhiên quanh năm dồi dào nên tôi quyết định trồng sen. Tôi vào Quảng Nam học kỹ thuật trồng, chăm sóc sen suốt 3 tháng"- anh Sự kể.
Theo anh Sự, trồng sen không cần dùng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu. Với giá 20.000 đồng/kg hạt sen, mỗi mùa, 8ha sen mang về cho vợ chồng anh từ 50 - 60 triệu đồng. Hạt sen thu về thương lái từ Huế đến đặt hàng tận nhà. Ngoài ra, do ao sen mát nên có nhiều loài cá tự nhiên như cá rô, cá gáy, cá trê, lóc… tập trung sinh sống sau mỗi mùa bão lũ.
"Ngoài sen, mỗi năm tôi thu gần 30 triệu đồng từ nguồn cá tự nhiên này anh Sự cho biết. Để tạo độ ẩm cũng như môi trường trong lành cho sen và cá, anh trồng vành đai rừng hơn 3ha keo lá tràm ven hồ sen. Tính đến nay, diện tích keo đã được 6 năm tuổi. Anh vừa bán 1ha keo được 25 triệu đồng.
"Tính sơ sơ, năm nay, từ sen, cá và rừng vợ chồng tôi cũng có hơn 100 triệu đồng. Nghề nông tuy vất vả, nhưng nếu đam mê và dành hết tâm huyết thì thành quả thu về không nhỏ và quan trọng nhất là tôi thấy rất vui" - anh Sự tâm sự.
Uyên Minh