Theo ông Hoàng Hữu Lượng - Cục trưởng Cục Báo chí, tính đến tháng 3.2011, cả nước đã có 745 cơ quan báo chí với 1.003 ấn phẩm (báo in), 67 đài phát thanh truyền hình, 46 báo điện tử và tạp chí điện tử. Cũng tính đến tháng 3.2011, cả nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.
Theo ông Lượng, với khối lượng rất lớn thông tin được truyền tải, cập nhật hàng ngày, hàng giờ; nội dung đề cập đến mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội nên việc sai sót là khó tránh khỏi.
Trong năm 2009, Cục Báo chí, Cục Quản lý PTTH&TTĐT đã tiếp nhận và xử lý trên 300 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến 132 vụ việc; năm 2010 là 280 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến 115 vụ việc.
Thông tin sai sự thật thể hiện ở nhiều mảng bài viết: Vụ án, các vấn đề tiêu cực trong xã hội, đời tư cá nhân, lịch sử dân tộc, chính sách của Nhà nước, chủ quyền quốc gia.
Ông Hoàng Hữu Lượng nhấn mạnh: “Thông tin sai sự thật không đơn giản là làm giảm uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu của cơ quan báo chí, mà quan trọng là gây ra phản ứng trong xã hội, nhân dân mất lòng tin vào các chính sách mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện. Tổ chức, doanh nghiệp bị thông tin sai ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể dẫn đến bị phá sản...”.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: Để chống sai phạm trên báo chí, một mặt cần hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, mặt khác rất cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản trong chỉ đạo, giải quyết, xử lý sai phạm; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý báo chí và đặc biệt là tăng cường phổ biến, học tập tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cán bộ biên tập viên, phóng viên trong các cơ quan báo chí, trau dồi, nâng cao trình độ nghiệp vụ của các biên tập viên, phóng viên...
Minh Anh