Dân Việt

Trường “cấp ba rưỡi”

25/08/2011 10:03 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều trường đại học ngoài công lập đang mở một cuộc chạy đua PR, quảng cáo để thu hút thí sinh. Cách làm của các trường giống như các chiêu tiếp thị của doanh nghiệp, tặng tiền, hỗ trợ đi lại, thậm chí là tặng điểm…Các trường nghĩ ra nhiều cách để cạnh tranh thu hút người học, kể cả cách vi phạm quy chế như xét tuyển cả thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm sàn.

Trường đại học ngoài công lập thiếu “khách hàng” là do gần đây trường thuộc hệ này mọc lên như nấm. Nhiều trường không có sơ sở vật chất, thiếu cán bộ giảng dạy nhưng cũng “chạy” cho được giấy phép hoạt động. Nhiều vụ bê bối đã xảy ra. Nhiều người gọi các trường này là trường “cấp ba rưỡi”. Các trường này chưa tạo dựng được uy tín nên không có người học, do đó bắt buộc phải nghĩ ra các phương thức quảng cáo để thu hút “khách hàng”.

Thí sinh thi không đủ điểm ở vào các trường đại học công lập, cũng không trúng nguyện vọng hai hay ba thì vào trường “cấp ba rưỡi”. Các trường này sẵn sàng đón nhận, thậm chí “vơ bèo vạt tép” để có người học. Mục đích của các trường là làm sao có đủ sinh viên, vượt chỉ tiêu càng tốt để có nguồn thu, lợi nhuận cao, còn chất lượng đầu vào không cần quan tâm. Vì để cho trường “cấp ba rưỡi” tràn lan như hiện nay nên chất lượng của sinh viên ra trường thuộc loại hạng bét, có tấm bằng nhưng không làm gì được, lại thất nghiệp dài dài vì thầy không ra thầy mà thợ chẳng ra thợ.

Webometrics - một tổ chức xếp hạng các đại học vừa công bố kết quả xếp hạng các đại học trên thế giới năm 2011. Trong đó trường số 1 của VN là Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ 1.125 thế giới, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xếp hạng 1.657 thế giới. Các trường danh tiếng của VN nằm trong top cực thấp như vậy thì liệu các trường “cấp ba rưỡi” có được họ chọn vào để xếp hạng, cho dù là đội sổ.

Sự học cần phải thực chất, nhưng trên thực tế nhiều trường đại học ra đời như một loại hoạt động đầu tư kinh doanh của một nhóm người, không phải là giáo dục đào tạo thực chất. Nhưng rất nhiều người không biết, hoặc biết nhưng vẫn vì tâm lý bắt buộc con cái phải vào cho được đại học nên đây là những địa chỉ cho họ chọn lựa. Nhiều gia đình nghèo, chắt chiu cho con vào học, kết quả là có tấm bằng nhưng không có chữ nghĩa, thành “cử” nhưng chưa chắc đã thành “nhân”.

Tuy nhiên cũng không đến nỗi quá bi quan. Xã hội phải “chịu đựng chất lượng đại học loại “cấp ba rưỡi” một thời gian rồi tự cuộc sống sẽ có sự sàng lọc để loại trừ những trường quá yếu kém. Các trường sẽ mở cuộc cạnh tranh, nhưng hãy cạnh tranh về chất lượng đào tạo, bằng sản phẩm đầu ra thay vì những chiêu câu khách theo kiểu bán hàng tầm thường.