Nhu cầu thực
Vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm, dẫn đầu cả nước về lúa gạo, nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái. Nhưng đây lại là vùng trũng của cả nước về đào tạo con người, nguồn nhân lực.
Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi sẽ được đào tạo để trở thành các doanh nhân nông thôn. |
Theo ông Giản Tự Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE: Sản xuất nông nghiệp của nông dân hiện còn mang tính tự phát, thấy cây gì, con gì có giá là đổ xô trồng, vì vậy, dễ dẫn đến thua lỗ. Trong khi đó, xu hướng hiện nay thì nông dân không chỉ phải có kỹ thuật trong nuôi trồng mà còn có kiến thức về thị trường, hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm đạt lợi nhuận cao nhất.
Ông Lê Văn Chính ở ấp Phú Khánh, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Việc mở lớp đào tạo “doanh nhân hóa nông dân” là rất cần thiết và bổ ích cho nhiều nông dân sản xuất lớn. Bởi vì nông dân lâu nay chỉ chăm chú kỹ thuật sản xuất sao cho năng suất cao. Còn tư duy, nắm bắt thị trường hầu như bỏ ngỏ. Làm ra sản phẩm, nông dân không bán được trực tiếp mà bị thương lái ép giá, pha trộn nông sản lại để làm giảm chất lượng vì mục đích riêng…
Nhắm vào 3 sản phẩm chủ lực
Về nội dung đào tạo, ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xã hội, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ cho biết: “Chương trình được xây dựng phải đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người học, chú trọng công tác nghiên cứu thực tiễn, nặng tính kỹ năng, thực hành…”.
Theo BCĐ Tây Nam Bộ, sở dĩ chọn An Giang để làm thí điểm đầu tiên bởi địa phương này thời gian qua có hoạt động khuyến nông rất tốt với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, lãnh đạo địa phương rất quan tâm; có đội ngũ tuyển chọn đầu vào thuận lợi… Hiện toàn tỉnh An Giang có trên 9.000 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
“Việc chiêu sinh học viên là hết sức quan trọng. Bởi đây là mô hình đào tạo nghề nông thôn gắn liền với nhu cầu của người muốn học thực sự. Vì thế việc tuyển chọn phải hết sức khắt khe, không nhất thiết chạy theo số lượng, người học phải có một số kiến thức nhất định” - ông Hiệp nói.
Theo chương trình, nông dân, nhất là những chủ trang trại, sẽ được đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề và nâng cao năng lực kinh doanh. Họ sẽ biết nhận định thị trường, phát hiện ra những nhu cầu về sản phẩm, khai thác thông tin từ Internet… Đồng thời, họ cũng được trang bị kiến thức quản trị doanh nghiệp nông nghiệp. Họ sẽ biết tính toán, với 1ha đất thì nên sử dụng loại máy nào, nhân lực bao nhiêu... Và khi với 10ha, thì sự thay đổi về máy móc, nhân lực sẽ như thế nào để thích ứng mà cho hiệu quả cao nhất…
Ông Hiệp, cho biết thêm: “Trong quá trình soạn thảo nội dung giảng dạy, sẽ chú ý nhắm vào 3 sản phẩm chủ lực ở đồng bằng là cây lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả”. Bởi đối tượng học chính ở đây là những nhà nông thực thụ, họ có niềm đam mê, muốn củng cố, bổ sung thêm những kiến thức liên quan đến ngành nghề của mình đang sản xuất”.
Kỳ vọng mới!
Dự kiến chương trình đào tạo sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới đây. Ông Bùi Ngọc Sương - Phó BCĐ Tây Nam Bộ, kỳ vọng: Việc đào tạo “doanh nhân hóa nông dân” sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chương trình tam nông.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong ngành nông nghiệp cũng rất ủng hộ hoạt động này. PGS-TS Nguyễn Bảo Vệ - Trưởng Bộ môn Khoa học cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Đào tạo những nông dân tiên tiến có đầu óc, tầm nhìn của một doanh nhân là rất cần thiết. Cách làm này phù hợp với nền sản xuất hiện đại, tiên tiến, đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển. Chẳng hạn ở Bỉ có tổ hợp tác gồm hàng nghìn nông dân liên kết lại để sản xuất, sau khi thu hoạch họ trực tiếp bán đấu giá sản phẩm để được giá cao nhất…”.
Theo TS Vệ, khi nông dân được trang bị kiến thức, “đầu óc” của doanh nhân thì nhất định họ không chỉ làm ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất mà còn bán ra sản phẩm với giá cao nhất bằng việc tổ chức liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm, bán hàng trực tiếp không qua trung gian…
Theo nhiều chuyên gia, để có 1 “lớp” nông dân mới là việc làm lâu dài và là định hướng cho tương lai. Nông dân đủ trình độ mới nắm bắt được những kiến thức về tư duy, kỹ năng quản trị kinh doanh để trở thành những nông dân mới tạo tiền đề cho nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Hoàng Mai - Đức Khánh