Các dự án chui sẽ đẩy khách hàng vào cuộc chơi mang tính may rủi
“Cỏ, lúa” bằng nhau
Thị trường địa ốc tại TP.HCM cuối năm 2016 chứng kiến cuộc đua khốc liệt giữa các dự án. Với sự bức tốc sau thời gian chững lại của thị trường BĐS cùng đa dạng các phân khúc làm cho tình trạng bán buôn trở nên rình rang. Bên cạnh những dự án được phép mở bán theo luật thì nhiều dự án chui cũng “thừa nước đục thả câu” mọc lên như nấm sau mưa.
Theo danh sách công bố của Sở Xây dựng về các dự án được hình thành trong tương lai, tính đến cuối tháng 11.2016, chỉ có 60 dự án được phép mở bán. Tài liệu này được xem như là kênh chính thống giúp người mua nhận biết đâu là dự án đủ điều kiện và đâu là dự án “chui”.
Khi “vàng thau lẫn lộn” làm cho cuộc chơi BĐS mất tính minh bạch, lụi tàn trên đường đua marathon dài hơi. Bên cạnh đó, người mua nhà phải chịu chỉ số rủi ro lên rất cao vì trực tiếp đổ tiền vào các dự án mập mờ.
Chiêu bài quen thuộc được đơn vị bán hàng sử dụng là quảng cáo rình rang, mở bán rầm rộ như bình thường. Bằng hình thức “nhận đặt chỗ”, để kéo hàng trăm khách hàng mang tiền vào ma trận do mình đặt ra.
Đơn cử như hai dự án của Tập đoàn Đất Xanh là Opal Riverside và Opal Garden ở Q.Thủ Đức ngay sau khi công bố mở bán đã “đắt như tôm tươi”. Khách hàng chen chân đến “đặt chỗ” đến ngộp thở. Thế nhưng, như một thực trạng, hầu hết người mua ở các dự án này lại không đủ cơ sở để tìm hiểu để về sự minh bạch cũng như tính pháp lý của dự án mà chỉ nghe qua lời quảng cáo.
Thậm chí nhiều khách hàng do quá tin vào môi giới nên phải nếm những “trái đắng”. Để rồi, khi nhận ra mình đã “trót tin” vội vàng đi tố cáo. Tiêu biểu như mới đây xảy ra trường hợp hàng chục khách hàng mua dự án Ecosun (Khu đô thị mới Phước An, do Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn làm chủ đầu tư) đã tố cáo Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát ( đơn vị môi giới, có trụ sở 246 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10) bán hàng bằng hình thức “treo đầu dê, bán thịt chó” gây thiệt hại cho người mua hàng trăm triệu đồng.
Cẩn trọng với đồng tiền
Một đại diện doanh nghiệp bật mí, thật ra việc các công ty tự lách luật bằng hình thức “đặt cọc giữ chỗ” không phải làm chuyện mới lạ. Hơn thế nữa, đây có thể được xem là vấn đề cam go khó giải quyết bởi còn nhiều tồn đọng chưa được xử lý thỏa đáng.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc doanh nghiệp làm sai luật sẽ ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường. Tuy doanh nghiệp nào làm sai thì uy tín sẽ bị hạ thấp, nhưng không vì thế mà đánh đồng tất cả các trường hợp, vì nhiều công ty đã hoàn thành gần hết các tiêu chí, song vướng mắc giấy huy động vốn, nên sau khi báo cáo với Sở Xây dựng 15 ngày và không nhận được phản hồi, vẫn được phép mở bán và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo luật sư Thái Văn Chung – Giám đốc Công ty luật Nguyên Giáp, đối với việc khách hàng đã đặt cọc tiền để mua nhà sau một thời gian không thấy dự án có tính khả thi, muốn biết đòi lại được tiền hay không phải căn cứ vào các điều khoản mà hai bên đã ký kết. “Nếu bên chủ đầu tư không đủ cơ sở pháp lý là sai luật, có nghĩa hợp đồng ký kết không có hiệu lực. Vậy khách hàng đòi lại số tiền đã đặt cọc là có cơ sở”, o6ng nói.
Tuy nhiên, để tránh các trường hợp liên quan đến tranh chấp kéo dài, thiệt hại về thời gian và tài sản, khách hàng nên tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của các dự án sắp mua chứ không nên vội vàng nghe theo các kênh môi giới”, LS Chung phân tích.