Bộ GD-ĐT khẳng định, bộ đề thi THPT Quốc năm 2017 được bảo mật nghiêm ngặt
Năm 2017 là năm đầu tiên, hình thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia được áp dụng trên toàn quốc.
Đến thời điểm này, nhiều người lo ngại Bộ GD-ĐT xây dựng các câu hỏi có đảm bảo cả số lượng, chất lượng và độ phân hóa hay không? Liệu tính bảo mật của đề thi sẽ như thế nào trong khi trước đây, Bộ GD-ĐT làm đề thi thường mời các chuyên gia, giáo sư đến để làm việc nhóm (điều kiện an ninh và bảo mật rất chặt chẽ) nhưng năm nay làm đề thi lại có sự tham gia của rất nhiều giáo viên của các trường sư phạm, sau đó câu hỏi mang đi thẩm định, thử nghiệm?
Trước vấn đề này, ngày 26/12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đối với các môn đã có tiền đề thi trắc nghiệm nhiều năm nay như Ngoại ngữ, Vật Lý, Hóa học và Sinh học… đã có một số lượng lớn câu hỏi được chuẩn hóa và hơn nữa mỗi môn thi đều đã xây dựng được lượng ngân hàng câu hỏi đủ lớn.
Riêng đối với môn Toán, từ năm 2007 Bộ đã tập hợp lực lượng các thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm phối hợp với các chuyên gia đầu ngành và Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng đề thi.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, có ba nguồn cơ bản để Bộ có thể làm ngân hàng câu hỏi cho kì thi này.
Thứ nhất, ngân hàng câu hỏi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 được xây dựng từ nguồn mà Bộ GD-ĐT đã lập trong 10 năm qua.
Thứ hai, ngân hàng câu hỏi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ được kế thừa bộ câu hỏi phù hợp trên cơ sở ngân hàng câu hỏi của ĐH Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt, ngay sau khi chính thức công bố phương án thi năm 2017, Bộ đã tổ chức ngân hàng câu hỏi dựa trên cơ sở của 10 trường có đào tạo sư phạm làm nòng cốt.
Bộ đã huy động lực lượng giáo viên tinh thông về nghề nghiệp, am hiểu về thi cử trách nhiệm cao, tinh thần trách nhiệm tốt, ý thức tốt để cùng tham gia.
Về những lo ngại tính bảo mật của đề thi, ông Trinh khẳng định, với những câu hỏi thô như vậy thì mỗi một địa điểm, Bộ GD-ĐT chỉ triển khai ở một đơn vị kiến thức nhất định trong nhiều đơn vị kiến thức để làm nên một đề thi.
Ngoài ra, giáo viên tham gia chương trình biên soạn đề thi phải là những người có phẩm chất đạo đức, có năng lực trách nhiệm cao. Mỗi cán bộ tham gia như vậy phải có sự cam kết theo quy định để đảm bảo tính bảo mật. Đặc biệt, môi trường làm việc phải hoàn toàn cách li với bên ngoài”.
“Giáo viên chỉ biên soạn câu hỏi thô, từ câu hỏi thô để thành câu hỏi chuyển hóa còn có sự thay đổi rất nhiều. Vì thế, ngân hàng câu hỏi khi đến tay thí sinh vẫn còn điều chỉnh. Do đó, tính bảo mật chắc chắn không bị ảnh hưởng”, ông Trinh khẳng định.