Dân Việt

Vụ án Trần Văn Vót: Con gái được mời bố ăn cơm sau 24 năm xa cách

Lương Kết 27/12/2016 09:59 GMT+7
Theo con gái của ông Trần Văn Vót (Hà Nam), sau thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để về nhà chữa bệnh, sức khỏe ông Vót vẫn rất yếu. Hàng ngày ông ngồi thẫn thờ đôi mắt buồn bã.

img

Ông Vót (áo trắng) được hàng xóm đến thăm hỏi. (Ảnh: NVCC)

Bệnh chưa khỏi sẽ được tạm đình chỉ thi hành án tù tiếp

Ông Vót được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù chung thân về các tội “ Giết người”, “Tàng trữ vụ khí trái phép”, “Gây rối trật tự công cộng”, “ Vi phạm các qui định về quản lý, bảo vệ đất đai” theo Bản án Hình sự phúc thấm số 1030 năm 1994 của Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại Hà Nội.

Thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù là 12 tháng tính từ ngày 7.12.2016 đến ngày 7.12.2017. UBND xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam được giao quản lý ông Trần Văn Vót trong thời gian ông Vót được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Trước đó, Trại giam Nam Hà và Viện KSND tỉnh Hà Nam có văn bản đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Trần Văn Vót vì bị bệnh lao phổi nặng, đa kháng thuốc, tăng huyết áp, tiên lượng rất nặng.

Trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù của ông Trần Văn Vót giống như trường hợp Bùi Tiến Dũng – cựu Tổng GĐ PMU 18. Trước đó, phạm nhân Bùi Tiến Dũng cũng được cho về nhà để chữa bệnh ung thư phổi. 

rao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Sơn – Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, đối với những trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để về nhà chữa bệnh, hết thời gian tạm đình chỉ mà bệnh chưa khỏi, chưa có khả năng đi thụ án tiếp thì cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án. 

“Việc tạm đình chỉ thi hành án phạt tù để cho phạm nhân mắc bệnh nặng là chính sách nhân đạo. Việc đưa phạm nhân trở lại trại giam để thụ án tiếp phụ thuộc vào vấn đề giám định sức khỏe của họ, nếu sức khỏe họ vẫn chưa tốt, bệnh chưa giảm thì vẫn để họ tại ngoại điều trị” –ông Sơn cho biết.

Đại biểu Quốc hội vẫn kiến nghị

Trở lại với vụ án ông Trần Văn Vót, chị Trần Thị Chi (con gái ông Vót) kể: Hôm thấy bố từ trại giam về, cả nhà không ai cầm được nước mắt. “Bố tôi trông rất tiều tụy, đi liêu xiêu, mắt mờ, tai điếc một bên, da thì xám ngắt lại, chân tay run lẩy bẩy thấy rất tội. Mặc dù cũng biết tình trạng của bố từ trước nhưng hôm nay gặp lại bố sau đằng đẵng năm xa cách, chúng tôi thấy rất xót thương. Bữa cơm hôm đó tôi mới được nói lời mời bố ăn cơm sau 24 năm trời” – chị Chi nghẹn ngào nhớ lại.

Chị Chi cho biết thêm, đến nay đã hơn nửa tháng được trở về nhà để chữa bệnh lao kháng thuốc nhưng sức khỏe ông Vót vẫn còn yếu. “Được trở về nhà với gia đình nhưng bố tôi vẫn rất  buồn, hằng ngày ông thường ngồi thẫn thờ, đôi mắt buồn xa xăm vì cho rằng bị oan” – chị Chi cho hay.

img

Ông Trần Văn Vót trò chuyện với con gái Trần Thị Chi khi còn trong tù. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Vụ án ông Trần Văn Vót 67 tuổi, ở Hà Nam từng được dư luận chú ý. Ông Vót và gia đình đã liên tục có đơn kêu oan hơn 20 năm qua, đặc biệt là bố của nạn nhân trong vụ án cũng kêu oan cho ông Vót. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án GS –TS Nguyễn Lân Dũng (Hà Nội), đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đã vào cuộc kiến nghị tới các vị  lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan tố tụng T.Ư xem xét vụ án này, nếu có oan sai thì phải giải oan cho người vô tội.

Vào ngày 19.10, tại buổi họp báo của TAND Tối cao, đại diện các cơ quan tố tụng TƯ đã khẳng định vụ án ông Trần Văn Vót được giải quyết đúng pháp luật, không có oan sai. Không đồng tính với kết luận trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh khi phát biểu trước Quốc hội ngày 28.10.2016, đã đề nghị phải thành lập Đoàn giám sát tối cao để làm rõ vụ án này.

Vụ án Trần Văn Vót xảy ra cách đây hơn 20 năm, bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai giữa 2 làng Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) dẫn tới vụ ném lựu đạn diễn ra vào ngày 29.11.1992 khiến anh Trần Văn Việt tử vong và 21 người dân khác bị thương. Cơ quan điều tra xác định ông Vót là người tàng trữ quả lựu đạn và đưa cho Trần Ngọc Thanh, để Thanh ném khiến 1 người chết, 21 người bị thương.

Sau đó ông Vót bị truy tố về 4 tội: Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí, Phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội và Gây rối trật tự công cộng. Còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về hành vi Giết người.

Tháng 2.1994, ông Vót bị TAND tỉnh Nam Hà đưa ra xét xử và tuyên phạt tù chung thân còn ông Thanh bị tuyên 15 năm tù về tội giết người. Hai bị cáo kháng án. Tháng 8.1994, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ án trên và tuyên y án sơ thẩm.

Ông Vót là người đã có 18 năm quân ngũ, được tặng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ do Nhà nước Lào trao tặng. Khi rời quân ngũ, Trần Văn Vót là bệnh binh mất 71% sức khỏe.