Dân Việt

Những trào lưu mạng xã hội gây mệt mỏi nhất trong năm 2016

PV 27/12/2016 10:00 GMT+7
Năm 2016 ghi nhận sự xuất hiện của một loạt những trào lưu mới. Nhưng bên cạnh những trào lưu thú vị, hay ho và ý nghĩa thì cũng không ít thứ khiến dân tình phải lắc đầu ngán ngẩm.

Mạng xã hội chẳng bao giờ hết phát nóng hay phát sốt vì những trào lưu đình đám mới mẻ. Bên cạnh những trào lưu sáng tạo và thú vị cũng có rất nhiều trào lưu xấu xí khiến ta chỉ biết ngán ngẩm mỗi khi lướt newfeed với đủ các chuyện thị phi. Hãy cùng điểm lại những trào lưu không đẹp trên mạng xã hội suốt năm 2016

Chuyện nhà mang ra mạng xã hội

img

Trong thời đại mạng xã hội, không những không kín cửa khẽ tiếng mà rất nhiều cặp đôi đã mang chuyện nhà ra cho cả thiên hạ bàn tán. Từ chuyện tố nhau, "bóc phốt" đến khóc lóc, nói xấu nhau khi đã "đường ai nấy đi". Bộ ba Khánh Ly – Mạc Hồng Quân – Kỳ Hân đã phơi bày hết hỉ, nộ, ái, ố không khác gì một bộ phim Hàn Quốc dài tập trên mạng xã hội. Từ chuyện chia tay ùm sùm người cũ rồi rình rang khoe khoang khi có người mới.

img

Khánh Ly và Mạc Hồng Quân.

Cô nàng hotgirl Hà Lade cũng đã chọn cách chia tay không mấy êm đẹp với bạn trai Hà Quang Dũng khi viết một status dài trên mạng "bóng gió" vạch mặt bạn trai đã "ăn vụng, ăn tạp mà không biết chùi mép". Nối gót Hà Lade, cô nàng Lâm Á Hân từ nhóm hài BB&BG và chồng cũ rapper Nguyễn Hồng Hải cũng khiến mạng xã hội dậy sóng khi công khai dùng những lời lẽ không mấy tốt đẹp cho nhau khi chia tay trên mạng xã hội.

Không chỉ những người nổi tiếng mà rất nhiều người khác cũng mang chuyện vợ chồng cơm không lành canh chẳng ngọt lên Facebook để cư dân mạng… phân giải. Không biết tường tận câu chuyện thế nào nhưng kết quả là không hề ai trong số họ có được cái kết ổn thỏa trong các mối quan hệ mà thay vào đó là hàng nghìn những comment đánh giá, chửi rủa, thậm chí là hả hê của thiên hạ cho sự đổ vỡ ê chề.

Livestream tất tần tận mọi chuyện trên đời

img

Lâm Á Hân livestream vụ cãi vã với chồng.

Năm 2016 là năm của "người người livestream, nhà nhà livestream". Và thế là tất cả mọi chuyện, từ chuyện lớn chuyện bé, chuyện nhỏ chuyện to, chuyện tế nhị hay hệ trọng đều được phát cho cả làng xem. Dường như bây giờ làm gì, nói gì người ta cũng cần phải có "khán giả" vô bình luận, cổ vũ cho "xôm tụ" vậy. Chắc hẳn bạn chưa quên những màn livestream gây sốc như màn tố cáo chồng cũ của Lâm Á Hân chứ?

Chưa kể, vụ livestream khóc lóc của cặp đôi bị bố mẹ ngăn cấm cũng đã gây rất nhiều tranh cãi trên mạng xã hội trong thời gian dài. Nguy hiểm hơn là để câu view, câu like, rất nhiều bạn trẻ đã dùng nhiều chiêu trò khác nhau để livestream mà nổi bật là việc khoe thân, cởi đồ hay dùng những lời lẽ quá khích để chửi bới hay bình luận về ai đó. Những clip live này nhanh chóng nhận được nhiều lượt like, lượt view đồng thời mang đến sự ảo tưởng về… sự nổi (tai) tiếng của rất nhiều bạn trẻ. Chưa kể, trào lưu này còn có thể để lại những hệ lụy về sau nếu clip được lưu lại và dùng vào mục đích xấu.

Câu like vô bổ

Trào lưu câu like không mới nhưng đến năm 2016, nó đã đạt đến một "cảnh giới" khác của sự vô bổ và nhạt nhẽo với sự tiên phong của trào lưu "nói là làm". Thay vì những màn câu like đơn giản và có phần dễ thương như "đủ 500 like sẽ tỏ tình với người yêu đơn phương 2 năm" hay "Like để mình có động lực giảm cân" thì "điều kiện" để đạt được số lượng like đã "biến hóa" thành các trò như đủ like sẽ lột đồ, tung clip nhạy cảm hay đổ xăng tự thiêu rồi nhảy kênh…

img

Nghiêm trọng hơn, sau một màn "đủ… like sẽ…" một học sinh cấp hai đã phải thực hiện "lời hứa" của mình đó là đổ xăng đốt trường dẫn tới việc bỏng nặng ở chân cũng như gây thiệt hại về tài sản của công. Điều đáng trách ở trào lưu này không chỉ ở người "câu like" mà còn là những người đang like một cách "vào hùa" và vô ý thức để "cho vui thôi chứ đâu mất gì". Trong đoạn clip ghi lại cảnh cô bé đốt trường, không khó để nghe thấy những lời khích tướng của những người đứng ngoài như "đốt nhanh đi, sao đừng đó hoài vậy", "không đốt là mày ăn đòn đó". Vượt ra ngoài những hậu quả của một trào lưu vô thưởng vô phạt trên mạng, những trò câu like đã gây ảnh hưởng và để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng trong đời sống thực.

img

Sống ảo điên đảo

Trên facebook thì ai cũng có nhu cầu sống ảo nhưng nếu mọi chuyện chỉ đơn giản dừng lại ở việc chỉnh sửa ảnh chút đỉnh hay chụp ảnh sâu deep thì chẳng ai nói làm gì. Cơ mà, nhiều bạn trẻ đã sống ảo điên đảo đến nỗi tạo nên những câu chuyện… buồn cười kiểu một tấm hình Iphone 6 bị vỡ mà 5-6 người post stt sáng tạo ra bao nhiêu câu chuyện nào là bị xe cán vỡ, nào là đánh rớt. Hay một bộ mỹ phẩm mà ai cũng nhận là của mình.

img

Cô nàng tai tiếng Thúy Vi cũng đã bị tố là chuyên gia chôm ảnh trên instagram rồi check in như đúng rồi để sống ảo. Chuyện sống ảo dường như còn trở thành một nỗi ám ảnh với nhiều bạn trẻ khi nhiều cô bạn thậm chí còn sống ảo có đầu tư đến nỗi lấy hình tứ tung trên mạng rồi photoshop ghép mặt hay ghét hình xăm của mình vào… cho giống.

img

Những bức ảnh hay câu chuyện sống ảo tưởng chừng vô thưởng vô phạt tưởng lại đang phản ảnh một bộ mặt xấu xí của giới trẻ Việt: quá phù phiếm là chạy theo những giá trị không thực. Nếu bạn dùng hàng giờ đồng hồ để photoshop khuôn mặt của mình vào body của người khác thì còn đâu thời gian cho học tập, thể thao và vui chơi nữa?

Tạm kết

Mạng xã hội không xấu, những trào lưu cũng chỉ là một công cụ giải trí đơn thuần nếu bạn sử dụng nó đúng mục đích. Nhưng khi bạn biến cuộc sống ảo thành cuộc sống thực, biến giá trị ảo thành giá trị thực, bạn đang dần lệ thuộc và đáng mất mình trên mạng xã hội. Những trò vui có thể cho bạn những lời comment tán thưởng, những lượt like, lượt view nhưng rồi tất cả đều vô nghĩa khi người tổn thương, bị dè bỉu, chê trách vẫn luôn là bạn. Qua năm 2017, hãy là một người sử dụng thông minh và biết bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước cạm bẫy của những trào lưu xấu xí trên mạng xã hội.