Ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Việc cải cách chính sách BHXH đặt ra nhiều mục tiêu, thứ nhất là phải tăng độ bao phủ, đối tượng tham gia. Khi VN mới có gần 25% đối tượng trong độ tuổi lao động tham gia đóng BHXH. Vì vậy Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 50% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH.
“Vì vậy cùng với việc tăng thêm số doanh nghiệp để chuyển lao động từ các khu vực khác vào khu vực có quan hệ lao động, có hợp đồng lao động thì chúng ta còn phải thực hiện bảo hiểm tự nguyện, cho các khu vực không có hợp đồng lao động. Ở các nước phát triển, tỷ lệ tham gia đóng BHXH gần như chiếm 100%. Đây là một nhiệm vụ lớn mà trong những năm tới cần tập trung thực hiện”, ông Huân nói.
Ngoài ra, hiện nay Chính phủ cũng đang tính toán xây dựng các chính sách bảo đảm cân đối quỹ BHXH theo hướng bền vững, đặc biệt là quỹ hưu trí. Ở đây có hàng loạt chính sách cần tính toán như tính toán lại tỷ lệ tham gia BHXH.
Phần đông người lao động Việt Nam không muốn tăng tuổi nghỉ hưu
Hiện nay ở VN, tỷ lệ tham gia BHXH đối với cả người lao động và người sử dụng lao động tổng cộng là 32,5%. Trong đó, tỷ lệ đóng BHXH hưu trí là 22%. Cho nên đây là một tỷ lệ khá cao nên không thể tăng thêm được nữa.
Hiện nay, Việt Nam đang tiến dần đến qui định đóng BHXH trên tổng thu nhập. Ở nhiều doanh nghiệp, hiện mức để tính đóng BHXH chỉ chiến từ 30-50% tổng thu nhập. Vì vậy cần phải tăng dần để mức tính đóng BHXH cho người lao động phải đạt 60-70%.
“Tuy nhiên khi tăng mức lương đóng BHXH lên thì cũng phải xem xét khả năng của doanh nghiệp và người lao động. Yếu tố nữa cần điều chỉnh là phải tăng thời gian đóng góp BHXH, tức là tăng tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, đối với các mức hưởng cũng phải có sự xem xét điều chỉnh hợp lý. Về lâu dài phải bảo đảm đầu tư quỹ BHXH cho hiệu quả và an toàn”, ông Huân nói.
Ông Huân cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu, tăng mức đóng BHXH sẽ phải được tính toán và có bước đi làm sao cho phù hợp với thực tế.