Cụ thể, trong Điều 19 quy định về trách nhiệm của giáo viên trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm thông tư số 30 (gọi tắt là Thông tư 22) ghi rõ: “Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của mỗi học sinh”.
Quy định này đã khiến không ít phụ huynh mừng ra mặt. Chị Trần Thị Phương – có con học tại trường Tiểu học Định Công (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết, cách họp phụ huynh cũ, giáo viên chủ yếu là thông báo các khoản đóng góp, thu chi của lớp. Ngoài ra, học sinh nào nổi trội, cá biệt, cần lưu ý mới được cô giáo nhắc đến nhiều vì thời gian một buổi họp phụ huynh chỉ có hạn.
“Phụ huynh muốn hỏi cụ thể hơn về sức học của con mình thường phải ở lại sau buổi họp để gặp riêng cô, như thế rất bất tiện, giống như là làm phiền cô giáo vậy. Nếu có quy định này thì tốt quá” – chị Phương nói.
Nhiều phụ huynh đồng tình với việc giáo viên thông báo kết quả học tập riêng tới từng người (ảnh: IT)
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh (Phủ Cừ - Hưng Yên) thì cho rằng đây là giải pháp tốt cho những phụ huynh có con học yếu, kém. “Sức học của con có hạn, lần nào đi học cũng “muối mặt” vì bị cô giáo nhắc nhở, phê bình nhiều. Sau đó lại bị tâm lý so sánh với con nhà người ta rồi về mắng mỏ, chỉnh đốn con rất mệt mỏi. Mỗi lần đi họp phụ huynh cho con là một cơn ác mộng” – chị Minh nói. Theo chị Minh, nếu như được họp “kín”, phụ huynh và giáo viên có thời gian chia sẻ, phân tích và tìm ra giải pháp khuyến khích con học, bố mẹ cũng bớt áp lực hơn.
Trong khi đó, nhiều giáo viên lại cho rằng, việc họp phụ huynh “kín” sẽ rất mất thời gian, công sức và ảnh hưởng nhiều đến giáo viên.
Theo cô N.T.P giáo viên tiểu học tại Bình Giang (Hải Dương), với quy định này, giáo viên được phổ biến tinh thần là sẽ không tổ chức họp phụ huynh công khai như các năm trước mà hẹn từng phụ huynh để thông báo kết quả riêng của từng em. “Như thế sẽ rất mất thời gian và công sức của giáo viên. Nếu mỗi lớp có khoảng 50 – 60 học sinh, cứ tính mỗi ngày hẹn gặp được vài phụ huynh thì giáo viên chủ nhiệm sẽ mất bao nhiêu ngày để thông báo hết?” – cô P nói.
Tương tự, một giáo viên tiểu học tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, thời gian họp phụ huynh trước đây chỉ mất một buổi sáng hoặc buổi chiều, giáo viên có thể linh động vào cuối tuần. “Nếu bây giờ phải gặp riêng phụ huynh tức là giáo viên phải làm thêm giờ hàng chục ngày sau các buổi học trong tuần, như thế rất mệt mỏi. 50 – 60 phụ huynh không thể giải quyết hết trong một ngày cuối tuần được” – cô giáo này nói.
Một số giáo viên khác thì cho rằng, đây không nên là một quy định cứng. Cô Đỗ Thu Hà – giáo viên tiểu học tại Tp Vinh (Nghệ An) cho rằng, trong quy định của Bộ cũng ghi: “Giáo viên theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội. Trong trường hợp cần thiết, giáo viên thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về kết quả đánh giá mỗi học sinh”.
Theo cô Hà, giáo viên có thể linh động chuyển nhận xét bằng văn bản tới mỗi phụ huynh trong buổi họp chung. Nếu có gì thắc mắc thì hỏi thêm cô giáo sau giờ. Như vậy sẽ vừa đảm bảo tính riêng tư, vừa đảm bảo việc thông báo cụ thể, chi tiết tới từng phụ huynh về sức học của con mình.