Dân Việt

Điện Phong “tiến nhanh như gió” từ đòn bẩy từ nông nghiệp

Đại Nghĩa 28/12/2016 13:45 GMT+7
Xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn) được xem là xã khó khăn nhất của vùng Gò Nổi. Việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thật sự tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân sung túc hơn, bộ mặt vùng quê này ngày càng “thay da đổi thịt”...

Nông nghiệp làm “đòn bẩy”

Ông Lê Lai – Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết, Điện Phong thiệt thòi hơn so với hai xã còn lại vùng Gò Nổi do địa hình phức tạp, bị sông ngòi chia cắt, đất ít nhưng dân lại đông. Dân cư chia thành nhiều khu vực, đất đai sản xuất phân tán nhỏ lẻ, ruộng cấy hầu hết là ruộng bậc thang gây ảnh hưởng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa... Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của xã còn thiếu, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, cuối năm 2011 mới có 6/19 tiêu chí đạt chuẩn...

img

Việc xây dựng nhiều mô hình, vùng chuyên canh cây hoa màu đã giúp nông dân Điện Phong có thu nhập bình quân từ 120 – 150 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Đ.H

Sau 2 năm đạt chuẩn NTM, Điện Phong đã củng cố, giữ vững và ngày càng nâng chất lượng các tiêu chí một cách bền vững. Đời sống nhân dân có nhiều thay đổi cả về tinh thần lẫn vật chất với thu nhập bình quân đầu người gần 27 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn hơn 4%”.

Ông Lê Lai

Tuy nhiên, theo ông Lai, xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là hoạt động quan trọng nhất, là một chủ trương hợp lòng dân, vì thế xã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ...

“Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các cấp chính quyền và nhân dân xã nhà quan tâm. Trong mấy năm qua, địa phương đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình, đề án sản xuất có hiệu quả và đem lại thu nhập lớn cho bà con nông dân. Đó là các mô hình luân canh, xen canh gối vụ như: ớt – đậu cove – ngô đông xuân; ngô lai đông xuân – đậu xanh xuân hè - ngô hè thu, lạc đông xuân - đậu xanh xuân hè - ngô hè thu... Những mô hình sản xuất này khá hiệu quả, có giá trị thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng ha/năm” – ông Lai cho hay.

Theo ông Lai, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp, mấy năm qua chính quyền địa phương đã khuyến khích bà con nhân dân đầu tư máy móc, thiết bị để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện nay, nay toàn xã có 17 máy gặt đập liên hợp, 11 máy làm đất... và toàn bộ diện tích đất sản xuất hoa màu, cây lúa đều được cơ giới hóa đã giúp giảm được chí phí và tăng lợi nhuận.

Đặc biệt, mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản của địa phương triển khai khá mạnh, hầu như các nhà ở 8 thôn của xã đều chăn nuôi bò. Đến nay, tổng số đàn bò gần 2.100 con, với trên 40ha trồng cỏ. Xã cũng đã liên kết các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Việt Thắng, Công ty Giống cây trồng Thái Bình... bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Giữ vững danh hiệu xã NTM

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Lai chia sẻ, khi bắt tay xây dựng NTM, Điện Phong chỉ mới đạt 6/19 tiêu chí NTM, cơ sở hạ tầng còn hạn chế... Tuy nhiên, nhờ đầu tư nguồn lực có trọng tâm đã giúp cho bộ mặt của Điện Phong càng khang trang, sạch đẹp, văn minh.

Hiện nay, đường  giao thông trục xã, liên xã đã nhựa hóa và bê tông hóa   đạt tỷ lệ 100% (2,4km), đường trục thôn, xóm và đường ngõ hẻm đã được bê tông, cứng hóa toàn bộ, không còn tình trạng lầy lội vào mùa mưa như trước đây. Ngoài ra, để tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, Điện Phong đã kiên cố hóa được 14,069km kênh mương nội đồng, xây dựng thêm  3 trạm bơm Rộc Chùa, Bàu Làng, Bàu Lỡ để phục vụ nước tưới cho trên 150ha/vụ. Các trường học tại xã đều đạt chuẩn, trạm y tế được đầu tư xây mới, nhà văn hóa xã và các thôn cũng được đầu tư mới và nâng cấp sửa chữa khang trang...

“Chỉ sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, Điện Phong đã hoàn thành 19/19 tiêu chí vào năm 2014 và về đích trước thời hạn 1 năm. Hiện nay, sau 2 năm đạt chuẩn NTM, Điện Phong đã củng cố, giữ vững và ngày càng nâng chất lượng các tiêu chí một cách bền vững” – ông Lai cho biết thêm.