Cách Google phân tích các từ khóa
Vào mỗi dịp cuối năm, Google đều tổng kết lại những sự kiện, khoảnh khắc văn hoá lớn nhất của một năm và chia thành các xu hướng tìm kiếm của người dùng. Năm 2016 cũng không ngoại lệ, Google vừa công bố "top" những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm này từ cách đây không lâu.
Theo ông Tạ Văn Nghĩa - một chuyên gia SEO tại Adsplus, để có được kết quả về xu hướng tìm kiếm, Google phân chia dịch vụ Google Search thành các công cụ tìm kiếm địa phương, như google.com.vn, google.com.fr, google.com.au,... tùy từng quốc gia. Từ đó, họ sẽ thu được từng những phần dữ liệu cụ thể.
"Top" 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam trong năm 2016.
Ngoài ra, Google còn dựa vào lượt tìm kiếm trung bình của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Mỗi máy tính được định danh bằng địa chỉ IP. Với IP đó, Google có thể phân biệt được thiết bị nằm ở quốc gia nào. Xu hướng từ khoá cuối cùng được Google tổng hợp lại từ lượng dữ liệu lớn nói trên.
"Khi người dùng sử dụng google.com hoặc google.com.vn để tìm kiếm thì hệ thống của Google sẽ thu thập toàn bộ các từ khóa tìm kiếm này. Sau đó, Google tổng hợp lại để đưa ra các kết quả, phân tích theo vùng lãnh thổ, thời gian, lĩnh vực,... rất chi tiết. Chúng ta có thể xem các dữ liệu này của Google tại các công cụ Google Trends, Adwords", ông Nghĩa giải thích.
Google Trends là một công cụ hoàn toàn miễn phí, cho phép xem thống kế lưu lượng của một hoặc nhiều từ khóa. Nó cho ra bảng so sánh xu hướng từ khóa theo từng tháng tại mỗi quốc gia.
"Top" 10 từ khóa nói liên điều gì?
Về "top" 10 từ khóa Google tại Việt Nam trong năm 2016, ông Nghĩa phân tích: Tại Việt Nam, "top" 10 từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2016 có tới 3 tên bài hát, 1 chương trình truyền hình, 1 bộ phim ngoại, 2 game,... Trong khi ở các quốc gia phát triển khác, họ quan tâm là những điều cần suy nghĩ liên quan tới tình hình xã hội, chính trị, sức khỏe.
"Để đánh giá thực trạng thói quen sử dụng internet của người dùng Google tại Việt Nam, chúng ta cần khách quan nhìn lại độ tuổi của những người dùng Google hiện tại. Chẳng hạn nhóm đối tượng thường nghe các bài hát của Sơn Tùng MTP mỗi ngày thường là thế hệ 9x và 10x. Và vì lượng người dùng Internet thuộc thế hệ trẻ này chiếm phần lớn trong cư dân mạng Việt Nam, nên top 10 quan tâm của cư dân mạng Việt Nam không tránh khỏi những từ khóa mang tính giải trí, liên quan tới tuổi trẻ", ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, không như các quốc gia phát triển khác có sự đồng đều trong việc sử dụng Internet, cư dân mạng tại Việt Nam chủ yếu là người trẻ thuộc lớp 8x đến 10x. Mà điều quan tâm nhất của người dùng trong nhóm độ tuổi đó đương nhiên là phim và nhạc. Vì thế họ không có lỗi trong cái đam mê rất phù hợp với nhu cầu bình thường.
"Bên cạnh đó, nếu chúng ta nhìn lại các hiện tượng xã hội năm vừa qua, có thể thấy còn có các sự kiện như “cứu trợ lũ lụt đồng bào miền trung”, “Donal Trump”. Vậy nên, theo tôi, "top" 10 từ khóa Google tại Việt Nam không đại diện cho mưu cầu của tầng lớp dân cư hiện tại. Và "top" 10 từ khóa này cũng không phản ánh nhiều về tình hình xã hội trong năm 2016", ông Nghĩa nhận định.