Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 7 tỷ USD, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước. Trong thành tựu chung đó có đóng góp ý nghĩa của nuôi trồng thủy sản. Có một thực tế là ngành thủy sản đang phải đối mặt với hàng chục tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau từ các tổ chức phi chính phủ cũng như tổ chức quốc tế. Mỗi tiêu chuẩn lại chỉ có phạm vi công nhận trong một vài quốc gia. Thực tế đó đang trở thành băn khoăn cho nhiều người nuôi thủy sản cũng như các cơ sở chế biến. Nhận thấy điều đó, Bộ NNPTNT đã ra quyết định về việc ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (tiếng Anh là Vietnamese Good Aquaculture Practices) nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu bệnh dịch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện VietGAP đang khuyến khích áp dụng và sẽ tiến tới có thể bắt buộc. Áp dụng VietGAP thì cơ sở nuôi, nông dân, người tiêu dùng, cơ sở chế biến, cộng đồng xã hội được lợi gì trong nuôi trồng thủy sản? VietGAP có phải là xu thế tất yếu của việc nuôi trồng thủy sản bền vững và của tương lai... Mời bạn đọc Dân Việt tiếp tục gửi câu hỏi tới các chuyên gia và doanh nghiệp đang tham gia giao lưu trực tuyến qua email: Tructuyendanviet@gmail.com
|
Bạn đọc Đình Quang (Ninh Bình) hỏi: Ông Cương có thể cho biết, VietGAP xuất xứ từ đâu không?
Ông Nguyễn Tử Cương - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; hiện là Trưởng ban Phát triển Thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) trả lời:
VietGAP là Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam tên viết tắt của cụm từ bằng tiếng Anh (Vietnamese Good Aquaculture Practices)
Cũng giống như các quy định của các quốc gia Thái lan (Thai GAP), Trung Quốc (China GAP), Đài Loan (Taiwan GAP) hoặc tiêu chuẩn của tổ chức bán lẻ Châu Âu (Global GAP), Tổ chức phi chính phủ (MSC, ASC...), VietGAP cũng được xây dựng dựa trên điểm D, điều 9 của "Quy tắc Nuôi trồng thủy sản có bền vững" - viết tắt là CCRF do FAO công bố năm 1995. Nội dung điểm D, điều 9 là "Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm" với 4 nội dung cơ bản là:
+ Đảm bảo an toàn thực phẩm
+ Đảm bảo sức khỏe thủy sản nuôi
+ Đảm bảo an toàn môi trường do hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ra
+ Đảm bảo quyền và lợi ích của người nuôi trồng thủy sản và quyền, lợi ích của cộng đồng kinh tế liền kề cơ sở nuôi.
Bạn đọc Hoàng Thị Lan (Yên Bái) hỏi: Làm thế nào để nhận biết sản phẩm VietGAP ở chợ, ở siêu thị?
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm trả lời: Đối với các sản phẩm bán trong các hệ thống siêu thị sẽ dễ dàng nhận biết qua dấu hiệu chứng nhận như mã số chứng nhận và logo VietGAP thủy sản. Mã số này là duy nhất đối với mỗi sản phẩm từ mỗi cơ sở nuôi. Người tiêu dùng có thể nhập mã số chứng nhận VietGAP trên trang web vietgap.tongcucthuysan.gov.vn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với thủy sản sống bán lẻ (bán ở chợ) hiện tại chưa có dấu hiệu nào để nhận biết sản phẩm được chứng nhận VietGAP hay không được chứng nhận VietGAP.
Nông dân Mai Quyết Thắng (Thanh Hóa) hỏi: Thưa ông Cương, cơ quan nào cấp Giấy chứng nhận VietGAP? Cơ quan này có độc lập với cơ quan ban hành VietGAP và ban hành quy định về chứng nhận không?
Ông Nguyễn Tử Cương trả lời: Theo Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26.9.2012 của Bộ NNPTNT về việc Quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt có nêu:
Tổng cục Thuỷ sản là cơ quan công nhận/chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực thuỷ sản. Hoạt động đánh giá, chứng nhận VietGAP cho các cơ sở nuôi được thực hiện độc lập bởi bên thứ ba là các tổ chức chứng nhận được Tổng cục Thủy sản công nhận/chỉ định.
Điều kiện để các Tổ chức được Tổng cục Thủy sản công nhân là tổ chức chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện tại Điều 5 của Thông tư này. Hiện nay trong cả nước có 9 tổ chức được công nhận là tổ chức chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực thủy sản.
Bạn đọc có địa chỉ email nongvanden@... hỏi: Hiện những dòng thực phẩm thủy sản nào cung cấp ra thị trường là sản xuất áp dụng VietGAP và giá cả có đắt lắm không? Chất lượng khác biệt gì so với nuôi theo thông thường?
Ông Đào Ngọc Nam - Tổng Giám đốc Chuỗi thực phẩm sạch An Việt Food - đơn vị chuyên phân phối nông thủy sản sạch và an toàn trả lời:
Sản phẩm trong hệ thống chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm An Việt Food đều được nuôi trồng theo quy trình VietGAP. Người chăn nuôi phải tuân thủ nhiều quy trình khác với thông thường nên chi phí có phần cao hơn. Trong hệ thống của chúng tôi, các sản phẩm VietGAP đắt hơn. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng đầu tư trên quy mô lớn để giảm giá thành sản phẩm.
Bạn đọc Đức Hoàng (Sơn La) gửi câu hỏi tới ông Phạm Văn Thịnh: Theo như giới thiệu, ông là chủ cơ sở nuôi cá sông Đà. Ông có thể bật mí thêm ông chuyên nuôi những loại cá gì? Từ khi áp dụng VietGAP ông thấy có lợi ích gì?
Ông Phạm Văn Thịnh - Tổng Giám đốc Cường Thịnh Fish trả lời: Qua nhu cầu của người tiêu dùng, chúng tôi đang phát triển những dòng cá phù hợp nhất bao gồm trắm đen, ngạnh, chiên, cá lăng… Từ khi áp dụng Quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, Công ty Cường Thịnh Fish đã cung cấp được vào các chuỗi thực phẩm sạch và phục vụ người tiêu dùng có thu nhập khá, có nhu cầu, muốn được sử dụng các sản phẩm an toàn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý đối với toàn bộ hệ thống nuôi trồng thủy sản của công ty, từ đó giảm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt vật tư tiêu hao, tránh lãng phí.
Bạn đọc Nguyễn Mai Linh (Hòa Bình) hỏi: Hệ thống của Công ty Cường Thịnh Fish hiện đang có 250 lồng cá nuôi theo quy trình VietGAP trên lòng hồ sông Đà. Vậy khi bắt đầu, công ty có nhận được sự hỗ trợ gì chính quyền địa phương?
Ông Phạm Văn Thịnh trả lời: Chúng tôi mới bắt đầu đầu tư nuôi thuỷ sản theo VietGAP được hơn 1 năm nay. Cường Thịnh Fish là doanh nghiệp đại diện của tỉnh Hoà Bình được hỗ trợ VietGAP. Chúng tôi được Chi cục quản lý nông lâm thuỷ sản Hoà Bình, Sở NNPTNT Hoà Bình hỗ trợ từ chính sách tới quy trình để chúng tôi đảm bảo hoàn thành được theo đúng quy trình. Ngoài ra trong chương trình phát triển dự án lòng hồ, bản thân các hộ dân cũng được hỗ trợ về sản xuất, học được quy trình nuôi theo VietGAP. Đây là điều khích lệ khuyến khích người nông dân tiếp tục làm theo quy trình VietGAP.
Bạn đọc linhnt@yahoo.com hỏi: Tôi thấy hiện nay có rất nhiều tiêu chuẩn có tên gọi khác nhau như HACCP, Global GAP, ACC, ACCGAP, vậy tiêu chuẩn VietGAP có gì giống và khác so với các tiêu chuẩn kia?
Ông Nguyễn Tử Cương trả lời: HACCP là cụm từ viết tắt của nhận diện các mối nguy và kiểm soát mối nguy gây mất an toàn thực phẩm tại điểm tới hạn. Chương trình này thường áp dụng cho cơ sở chế biến thực phẩm; còn lại các tiêu chuẩn ThaiGAP, ChinaGAP, GAA… đều xuất phát từ Điểm d, Điều 9 tài liệu về nuôi trồng thủy sản bền vững của FAO, gồm 4 nội dung như tôi đã nói ở trên. Cụ thể: Sản phẩm nuôi phải đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng; đảm bảo an toàn sức khỏe thủy sản nuôi; hoạt động nuôi không gây ảnh hưởng tới môi trường bên ngoài; nuôi phải đảm bảo quyền, lợi ích của cộng đồng dân cư và quyền, lợi ích của người nuôi. Điểm giống nhau của 4 nội dung nêu trên, còn điểm khác nhau ở chỗ cơ quan ban hành, chia thành 3 nhóm. Nhóm 1: VietGAP, ChinaGAP… là do chính phủ các nước có nuôi trồng thủy sản phát triển ban hành; nhóm 2: Đại diện những người tiêu dùng công bố, ví dụ đại diện cho người tiêu dùng châu Âu thì có một hệ thống công bố tiêu chuẩn với tên gọi EuroRepGAP, hay GlobalGAP; GAA là công bố của Liên minh thủy sản toàn cầu ở Mỹ; nhóm 3: Là tiêu chuẩn do các tổ chức phi chính phủ (GNO) công bố.
Bạn đọc có địa chỉ email Flower2000@... hỏi: Chi phí cấp giấy chứng nhận VietGAP là bao nhiêu, có tốn kém không? Vì tôi đang rất muốn áp dụng VietGap?
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm trả lời: Chi phí đánh giá, cấp chứng nhận VietGAP mà cơ sở nuôi phải trả, bao gồm:
- Chi phí cho chuyên gia đánh giá: Chi phí này phụ thuộc vào ngày công đánh giá lần đầu, đánh giá khắc phục (nếu có), đánh giá giám sát trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận, chi phí đi lại (nếu có); Ngày công đánh giá của chuyên gia được xác định dựa trên quy mô về diện tích, sản lượng của cơ sở nuôi và năng lực của chuyên gia đánh giá, uy tín của Tổ chức chứng nhận.
- Chi phí hành chính: Phí thẩm định hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận VietGAP, phí in và gửi giấy chứng nhận...
- Chi phí đánh giá, chứng nhận VietGAP do cơ sở nuôi thỏa thuận với Tổ chức chứng nhận dựa trên biểu phí, cách tính phí do Tổ chức chứng nhận xây dựng và công bố công khai. Do đó, chi phí đánh giá, chứng nhận VietGAP là khác nhau đối với mỗi cơ sở.
- Biểu phí, cách tính phí của Tổ chức chứng nhận đã được Tổng cục Thủy sản kiểm tra trong quá trình đánh giá, chỉ định Tổ chức chứng nhận và được đăng tải trên vietgap.tongcucthuysan.gov.vn.
Từ hộp thư Thaonguyenxanh85@yahoo.com, bạn đọc tên Liên có hỏi: Tôi muốn đặt mua số lượng lớn cá sản xuất theo VietGAP của ông Thịnh để đưa vào nhà hàng thì liên hệ với ai, theo số điện thoại nào?
Ông Phạm Văn Thịnh trả lời: Cường Thịnh Fish xây dựng chuỗi hệ thống cá sạch Sông Đà. Tại Hà Nội chúng tôi có hai cửa hàng tại địa chỉ 108 E2 phố Thành Công và nhà hàng giới thiệu sản phẩm cá Sông Đà Cường Thịnh Fish ở số 120B1, phố Thành Công. Bạn đọc có nhu cầu có thể liên hệ theo số đường dây nóng 0987281717. Chúng tôi sẽ cung cấp đến tận nơi theo số lượng bạn đọc yêu cầu.
Bạn đọc có địa chỉ email nguyenbinh77@gmail.com hỏi ông Đào Ngọc Nam: Tôi có 20 ao nuôi trong đó có 8 ao nuôi theo VietGAP, chủ yếu là cá diêu hồng. Tôi đang rất lo đầu ra và muốn đơn vị giúp cho tôi đầu ra và tôi tham gia chuỗi thực phẩm sạch của ông được không?
Ông Đào Ngọc Nam trả lời: Hệ thống chuỗi thực phẩm sạch An Việt Food đang hướng tới chuỗi quy trình khép kín trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm an toàn. Chúng tôi có thể là nhà tư vấn, nhà đầu tư, phân phối, làm thương hiệu cho các sản phẩm của bạn. Sản phẩm của chúng tôi có đặc điểm là sẽ truy xuất được nguồn gốc. Trên bao bì sẽ ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ ở đâu.
Bạn đọc tên Nhàn ở Quảng Ninh hỏi ông Nguyễn Tử Cương: Xin ông cho biết, Hội nghề cá Việt Nam đã có mô hình nào do Hội đứng ra tổ chức theo mô hình sản xuất thủy sản an toàn chưa? Địa chỉ ở đâu để chúng tôi tham quan, học tập?
Ông Nguyễn Tử Cương trả lời: Văn phòng Hội không trực tiếp đứng ra làm mô hình VietGAP nhưng các tổ chức trực thuộc Hội, ví dụ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam đã xây dựng 3 mô hình, gồm 1 mô hình ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) trên tôm chân trắng; 1 mô hình tại Quảng Bình, nuôi tôm chân trắng; 1 mô hình tại Hải Phòng nuôi cá biển trong ao. Nếu bạn đọc có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi.
Một bạn đọc giấu tên ở Phú Yên hỏi: Người nuôi sử dụng thức ăn tự chế có đáp ứng yêu cầu của VietGAP không?
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm trả lời: Được. Quy phạm VietGAP cho phép cơ sở nuôi sử dụng thức ăn tự chế để nuôi thủy sản. Tuy nhiên, vì thức ăn tự chế có mối nguy gây mất an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch nên người nuôi phải kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và nguồn gốc của thức ăn cũng như phải ghi chép nhật ký.
Bạn đọc Phạm Hùng (Sóc Trăng) hỏi: Tôi nuôi tôm sú quảng canh thì có được chứng nhận VietGAP không?
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm trả lời: VietGAP là thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, giúp kiểm soát những mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, an toàn bệnh dịch, giúp bảo vệ môi trường và chỉ áp dụng đối với cơ sở nuôi có sử dụng thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường. Do đó, đối với trường hợp cơ sở nuôi tôm sú quảng canh không sử dụng vật tư đầu vào như thuốc, thức ăn thì không phát sinh các mối nguy nói trên nên các cơ sở này không những đạt tiêu chuẩn VietGAP mà còn có thể đạt được chứng nhận sinh thái.
Một bạn đọc ở Quảng Ninh hỏi ông Đào Ngọc Nam: Chúng tôi muốn tham gia chuỗi cơ sở thực phẩm sạch của ông, với các cơ sở áp dụng VietGAP và không VietGAP, ông sẽ ưu tiên đơn vị nào hơn?
Ông Đào Ngọc Nam trả lời: Tiêu chuẩn VietGAP chúng tôi sẽ ưu tiên hơn vì hầu hết các sản phẩm của chúng tôi đều đã làm theo quy trình VietGAP. Đối với các đơn vị chưa làm theo quy trình VietGAP, chúng tôi sẽ xem xét trên quy mô của nhà sản xuất, nếu có thể làm quy mô lớn, chúng tôi sẽ hỗ trợ cùng xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP, chẳng hạn như phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Cùng hợp tác nghĩa là chúng tôi có thể hỗ trợ cả về đầu tư, phân phối, cũng như tư vấn về chính sách để làm quy trình.
Bạn đọc Tuấn Nam (Cần Thơ) hỏi: Xin bà Tâm cho biết Tổng cục Thủy sản đã có hỗ trợ chuỗi thủy sản an toàn theo VietGAP nào chưa?
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm trả lời: Tôi cảm ơn câu hỏi này vì khá hay và thực tế với người nuôi. Tổng cục thủy sản đã hỗ trợ triển khai một vài chuỗi. Ví dụ rất điển hình ở Hậu Giang – một cơ sở nuôi cá thát lát cườm đã được chứng nhận VietGAP. Sản phẩm của cơ sở này đã được hệ thống Metro tiêu thụ. Cơ sở nuôi kiểm soát chặt chẽ quá trình nuôi theo VietGAP thủy sản và có hệ thống hồ sơ được lưu trữ trong vòng 24 tháng tính từ ngày thu hoạch nhằm phục vụ công tác truy xuất. Hệ thống siêu thị Metro hiện nay chỉ mua và tiêu thụ sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận VietGAP. Hệ thống siêu thị có hệ thống kiểm soát chất lượng theo ISO nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc đến người sản xuất. Ngoài ra còn rất nhiều cơ sở nuôi tôm càng xanh ở Đồng Tháp, nuôi lươn tại Cần Thơ, tôm tại Sóc Trăng, cá diêu hồng, cá lăng của Phú Thọ, Tuyên Quang… đã được chứng nhận VietGAP và được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị.
Bạn đọc tên Minh ở Quảng Nam hỏi: Xin hỏi việc kiểm tra, giám sát sản phẩm an toàn trong chuỗi của An Việt Food được thực hiện như thế nào?
Ông Đào Ngọc Nam trả lời: Chuỗi thực phẩm sạch An Việt Food tập hợp rất nhiều đơn vị sản xuất các mặt hàng khác nhau, lấy tiêu chuẩn VietGAP làm nền tảng sản xuất. Chúng tôi được các cấp từ Bộ NNPTNT cho đến Sở NNPTNT Hà Nội hỗ trợ về mặt kỹ thuật, thông tin để có kiểm soát được chuỗi sản phẩm an toàn. Từ đơn vị sản xuất đến phân phối, đại diện là người tiêu dùng đều có thể kiểm soát được sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra công khai trực tuyến, không những bằng văn bản mà cả hình ảnh, clip. Đấy cũng một trong những cách để quản lý sản phẩm theo hình thức chuỗi.
Bạn đọc Hoàng Lan (Bạc Liêu) hỏi: Nếu cơ sở nuôi tôm nằm ngoài quy hoạch có được cấp chứng nhận VietGAP không?
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm trả lời: Theo điều khoản 1.1.1 được quy định tại Quyết định 3824/QĐ-BNN-TCTS ngày 6.9.2014 về Quy phạm VietGAP thủy sản, cơ sở nuôi phải có địa điểm nuôi nằm trong quy hoạch. Do đó, trường hợp cơ sở nuôi tôm có địa điểm nuôi nằm ngoài quy hoạch thì không được chứng nhận VietGAP.
Bạn đọc có địa chỉ email nguoixunghe@... hỏi bà Nguyễn Thị Băng Tâm: Việc triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản đạt VietGAP hiện nay đã được thực hiện đến đâu rồi thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm trả lời: Sau khi Bộ NNPTNT ban hành thông tư 48/TT-BNNPTNT ngày 26.9.2012 quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng website vietgap.tongcucthuysan.gov.vn để quản lý toàn bộ chương trình này. Mã số chứng nhận VietGAP được cấp tự động một cách công khai, minh bạch trên website này. Mã số chứng nhận VietGAP này là duy nhất. Tính đến 28.1.2016, có hơn 200 giấy chứng nhận VietGAP thủy sản đã được cấp cho khoảng 300 cơ sở nuôi. Khách hàng, người tiêu dùng, chuyên gia đánh giá, cán bộ quản lý thủy sản hoặc bất kỳ ai quan tâm đều có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản được chứng nhận VietGAP trên website này. Hệ thống truy xuất này vẫn duy trì và hoạt động hiệu quả từ năm 2012 đến nay.
Bạn đọc tên Nguyên ở Sóc Trăng hỏi: Lợi ích VietGAP mang lại cho các cơ sở nuôi thủy sản đã khá rõ ràng, vậy về phía Nhà nước thì có lợi gì?
Ông Nguyễn Tử Cương trả lời: Rất cám ơn câu hỏi của bạn. Việc áp dụng VietGAP ai cũng nghĩ người nuôi sẽ phải chi phí nhiều nên thường hy vọng vào giá bán cao, lợi nhuận lớn. Nhưng chúng ta chỉ có được điều này khi được người tiêu dùng, thị trường công nhận. Tôi muốn nói rằng, áp dụng VietGAP thì người nuôi đã thu được lợi nhuận ngay thông qua việc tiết kiệm chi phí thức ăn, chi phí hóa chất, chế phẩm sinh học, thủy sản có tỷ lệ sống cao, lớn nhanh, thời gian nuôi giảm. Đó là những lợi nhuận dễ nhìn thấy nhất.
Về phía Nhà nước, Chính phủ, có 3 cái lợi: Áp dụng VietGAP thì ô nhiễm môi trường sẽ giảm xuống mức thấp nhất; việc phát triển VietGAP phải theo quy hoạch, và người nuôi muốn được cấp chứng nhận VietGAP thì phải tuân thủ quy hoạch. Tất cả các thành viên của FAO đều phải áp dụng GAP, như vậy chúng ta làm GAP là đã nhội nhập với thế giới. Những năm gần đây, đặc biệt như năm 2016, nông, lâm thủy sản muốn xuất khẩu đều phải được cấp chứng nhận VietGAP. Ví dụ rõ nhất là với trái cây, nhờ áp dụng VietGAP mà trái cây đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau hơn 1,5 tiếng diễn ra, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "An toàn thủy sản và xu thế áp dụng VietGAP" đã kết thúc với gần trăm câu hỏi từ bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên vì thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi xin được giải đáp sau. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã nhiệt tình tham gia và gửi câu hỏi tới chương trình! Đại diện Ban Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến. |