Dân Việt

“Xóa sổ” nằm ghép không dễ

Diệu Linh 29/12/2016 06:12 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa khẳng định quyết tâm sẽ xóa nằm ghép sau khi đi thăm một số bệnh viện (BV) tuyến T.Ư và chứng kiến 3-4 bệnh nhân nằm 1 giường.

Ngao ngán cảnh 4 người/giường

Cụ thể, tại khoa Nội – BV K T.Ư (Hà Nội), Bộ trưởng đã “phát hiện” sự thật 4 bệnh nhân/giường sau khi hỏi han bệnh nhân, trong khi lãnh đạo khoa cho biết chỉ 1-2 bệnh nhân/giường. Ngoài ra, bệnh nhân nội trú lẫn ngoại trú đều được phân “biên chế” cùng 1 giường. “1 giường bệnh tới 4 người nằm, bệnh lại nặng thì bệnh nhân chịu sao được” – Bộ trưởng chia sẻ.

img

BV K cơ sở Tân Triều tuy vật chất rộng rãi, hiện đại nhưng tỷ lệ hài lòng của người bệnh
lại không cao.  Ảnh: Diệu Linh

Tại buổi kiểm tra đó, ông Đ.V.T (59 tuổi, ở Hải Dương) bị ung thư phổi cho biết, ông nhập viện đã hơn 10 ngày nhưng bị xếp 4 người/giường nên ông chỉ vào viện ban ngày để điều trị. Buổi tối, ông ra ngoài thuê ngủ với giá 160.000 đồng/tối. “Đã khó khăn, ốm yếu còn vất vả quá” – ông T nói.

PGS-TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc BV K T.Ư cho biết, sau khi cả 3 cơ sở BV K được đưa vào sử dụng thì tình trạng nằm ghép đã giảm mạnh. Tuy nhiên, công suất sử dụng giường hiện nay vẫn là 106%, so với trên 200% trước năm 2014. Có khoảng 30% trong số 51 khoa phòng của BV vẫn có tình trạng nằm ghép.

img

Kiểm tra tại BV Bạch Mai (Hà Nội) Bộ trưởng đi thăm một số khoa phòng và không ghi nhận tình trạng nằm ghép, tuy nhiên vẫn có bệnh nhân phàn nàn về việc phải chờ lâu. TS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, thời gian qua, BV đã có rất nhiều thay đổi, cải cách, kê thêm giường để khắc phục tình trạng nằm ghép. Trước đây tại một số khoa phòng có tình trạng nằm ghép 2-3, tuy nhiên hiện nay việc nằm ghép còn rất ít và cũng chỉ trong 1 thời gian ngắn, đợi BV “điều tiết” giường giữa các khoa chứ không phải nằm ghép từ lúc nhập viện đến lúc ra viện. Theo TS Hùng, theo quy định thì nếu phải nằm ghép 2-3 thì tiền giường cũng giảm còn 50% và nếu nằm 4 thì đương nhiên là miễn phí. “Nhưng chắc chắn chúng tôi không có tình trạng nằm 4” – TS Hùng khẳng định.

Tiến dần tới “hài lòng bệnh nhân”

Thời gian qua, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các BV trực thuộc Bộ ký cam kết không để tình trạng nằm ghép. Hiện nay, có tới 90% BV tuyến T.Ư (35/39 BV) ký cam kết không để người bệnh nằm ghép; tại TP. Hồ Chí Minh có tới 29/31 BV tuyến cuối cam kết không để người bệnh nằm ghép. Qua theo dõi, giám sát cũng đã có 80% BV tuyến T.Ư không còn tình trạng nằm ghép”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Bộ trưởng Tiến khẳng định, giảm tải BV, “xóa sổ” nằm ghép chỉ là một trong những mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã có nhiều đề án, phong trào nhằm tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng toàn diện của bệnh nhân.

Kết quả “chấm điểm” BV tại 5 BV T.Ư của Viện Chiến lược và Chính sách y tế  (Bộ Y tế) cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề. Tại các BV E, Nội tiết T.Ư, Hữu Nghị, điểm hài lòng của bệnh nhân rất cao. Nhưng tại BV K T.Ư, không ít bệnh nhân bức xúc, “tố” bác sĩ đòi tiền, nhũng nhiễu với sự hài lòng chỉ đạt 66% - “đội sổ” trong 5 BV được khảo sát. Cơ sở vật chất cũ kỹ lại không phải là điều khiến bệnh nhân bận tâm khi mức độ hài lòng ở BV K cơ sở Tân Triều cơ sở rất khang trang nhưng mức độ hài lòng của bệnh nhân chỉ đạt 52%, còn ở cơ sở Quán Sứ cũ kỹ lại đạt 88%.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, thái độ ứng xử của nhân viên y tế quyết định nhiều đến sự hài lòng của người bệnh. Tại BV K T.Ư nhiều bệnh nhân phản ánh không chỉ điều dưỡng, hộ lý có thái độ thiếu nhiệt tình, quát mắng bệnh nhân mà cả bác sĩ cũng “tham gia”.

Ngay sau buổi kiểm tra của Bộ trưởng, BV K T.Ư đã họp và xử lý 7 cán bộ có thái độ “nhũng nhiễu” bệnh nhân. PGS-TS Trần Văn Thuấn cũng cho biết, trong vòng 2 tháng tới sẽ cố gắng đưa vào sử dụng thêm 300 giường nữa để hạn chế nằm ghép đến mức tối đa. Ngoài ra, BV K cũng mở thêm phòng điều trị ngoại trú ở các khoa còn quá tải, đặc biệt ở các khoa nội (phòng truyền ngồi) kết hợp hẹn bệnh nhân truyền theo giờ để không quá tập trung vào giờ cao điểm.

Bộ trưởng Tiến cũng nhận định, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý “xin - cho”, tâm lý “mang ơn”, chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ… nên còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh (nhất là khu vực phía Bắc). Đồng thời, một số cán bộ y tế trẻ cũng có hành vi, lời nói, thái độ không phù hợp, không thân thiện, nhân văn. Bên cạnh đó, cũng có không ít nguyên nhân từ phía người dân khi họ vẫn còn tâm lý sốt ruột, không quen xếp hàng, chờ đợi (kể cả khi chờ làm các xét nghiệm cần phải có đủ thời gian mới có kết quả); không thông cảm với ngành y tế về sự thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đôi khi còn có thái độ coi thường cán bộ y tế, không chấp hành nội quy, quy định và chỉ định, y lệnh của thầy thuốc.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Dương Đức Hùng cho biết, hiện nay các BV vẫn phải “uốn” theo bệnh nhân để phục vụ nên dẫn tới sự “ùn tắc”, quá tải nhiều khi không đáng có. “Đơn cử như đầu giờ sáng bệnh nhân ùn ùn đến, hoặc bệnh nhân kiêng khám đầu tháng nên đến ít, còn sau rằm thì lại kéo hàng đoàn. Do đó, muốn “phân luồng” bệnh nhân để tránh lúc vắng lúc đông, bệnh nhân cũng cần có sự phối hợp với BV, dần dần hình thành ý thức đặt lịch khi đi khám. Lúc đó nhàn bệnh nhân mà cũng đỡ cho bác sĩ” – TS Hùng nói.