Theo TS Lê Thống Nhất, ViOlympic và IOE không đơn thuần là thi trắc nghiệm. Khi đưa ra các cuộc thi này ông chỉ nghĩ là sân chơi mà không bao giờ dùng từ "thi học sinh giỏi", kể cả thể lệ cuộc thi. Giúp các em chơi mà học để cảm thấy thích học hơn. IOE càng không phải cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh vì chỉ thi 3 kĩ năng trong 4 kĩ năng cần rèn luyện với môn ngoại ngữ. Tuy nhiên với nhiều nơi thì việc rèn được 3 kĩ năng này với sự trợ giúp của IOE đã có nhiều tác dụng.
Cuộc thi trên Internet có ưu điểm là lan rộng, dễ tiếp cận, nhưng cũng không tránh khỏi những sự cố do đường truyền, cấu hình máy tính, rủi ro về hệ thống. Ngay Thể lệ nhấn mạnh là "tự nguyện" và "không lấy kết quả thi để đánh giá giáo viên hay nhà trường" nhưng một số Phòng GD ĐT hoặc Nhà trường không thực hiện đúng điều này dẫn đến gây sức ép cho nhà trường hoặc giáo viên và tiếp theo là với học sinh.
Cuộc thi Violympic bị nghi ngại "khuyến khích" học sinh chạy theo thành tích (Ảnh minh hoạ).
Theo TS Nhất, việc cộng điểm để xét vào THCS cũng không có quy định của Bộ vì phân quyền cho các Phòng GD ĐT. Ông cho rằng, đây chính là nguyên nhân lớn gây ra cuộc chạy đua thành tích. Vì vậy, cần bỏ việc này: “Hãy coi đây là một sản phẩm giáo dục để phụ huynh, giáo viên, học sinh tự lựa chọn có dùng hay không. Bởi vậy Bộ có thể không đứng ra tổ chức” – TS Nhất bày tỏ quan điểm.
Ông Nhất cũng cho biết thêm, một số cuộc thi trong khu vực, như cuộc thi SIMOC tại Singapore mà BTC từng mời ông chứng kiến có học sinh của 14 nước tham gia (cả tiểu học và THCS) thì Huy chương cũng là của một đơn vị (công ty tặng) chứ không phải Bộ Giáo dục Singapore tổ chức (một số các cuộc thi gọi là "quốc tế" khác cũng hơi giống vậy). Thế mà phụ huynh các nước vẫn bỏ tiền tốn kém cho con mình đi thi.
Ông Nhất cho rằng, với cuộc thi IOE mà tôi vẫn đang theo dõi thì ông sẵn sàng đồng ý Bộ GD ĐT đứng ra ngoài cuộc thi để ông bàn với một đơn vị độc lập có thể tự tổ chức hoặc hợp tác với các đơn vị không phải cơ quan quản lý nhà nước tổ chức. Như vậy chắc phù hợp hơn. Tránh được các nhược điểm do bị "biến tướng" tạo ra.
“Nên có nhiều sân chơi như thế này cho các em học sinh và mong nhiều công ty hãy tạo thêm sân chơi cho các em. Bộ chỉ cần xem xét, nếu thấy tốt thì đừng cấm chơi là được. Bởi không cẩn thận các em sẽ tìm đến những sân chơi nguy hiểm mà trên mạng lại quá nhiều các sân chơi này” – ông Nhất nói.
Trước đó, Dân Việt đăng tải câu chuyện cảnh báo của phụ huynh Lê Dũng có con học lớp 1 tại Hà Nội về việc các cuộc thi như Violympic đã gây ảnh hưởng ra sao đến các con. Vị phụ huynh này cho biết cuộc thi khiến cho “một đứa trẻ bình thường mất từ 30-50 phút cho 8 vòng thi ở lần làm bài đầu tiên, thì nó có thể biến kết quả đó thành 10 phút sau vài chục lần làm đi làm lại”, đồng thời đưa ra kết luận đó không phải là sáng tạo mà chính là chạy theo thành tích. Câu chuyện này sau đó đã gây tranh cãi mạnh mẽ trên mạng xã hội và nhận được nhiều phản hồi của các chuyên gia giáo dục.