Dân Việt

Không chỉ “cha đẻ” của cuộc thi Violympic thắt lòng

Tùng Anh (t/h) 29/12/2016 15:43 GMT+7
Sau khi cuộc thi “Chinh phục vũ môn” bị quyết định tạm “đóng cửa” thì Violympic toán và tiếng Anh trên mạng Internet tiếp tục bị dư luận đưa ra “mổ xẻ”, nhất là sau khi “cha đẻ” của cuộc thi Violympic toán và tiếng Anh (IOE) TS toán học Lê Thống Nhất đã lên tiếng giải thích.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, không nên tổ chức thêm bất kỳ một cuộc thi online nào để làm thành tích xét tuyển gây áp lực cho học sinh nữa. Không chỉ "cha đẻ" cuộc thi Violympic toán và tiếng Anh (IOE) TS toán học Lê Thống Nhất thắt lòng mà chúng tôi cũng thắt lòng...

Bày tỏ quan điểm trên báo chí, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, ở lứa tuổi tiểu học, nhiều học sinh thậm chí phải hy sinh tuổi thơ của mình chỉ để học. “Học ở trường cả ngày, ra chơi cũng học, rồi về đi học thêm, tối đêm đến thì lại làm bài thi trên online... như vậy thì trẻ con chịu đựng thế nào được?!” – ông Cương đặt câu hỏi.

Ông Cương cũng cho rằng, về cuộc thi Violympic, nội dung những câu hỏi trong đó không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, ông chỉ băn khoăn rằng bên cạnh những câu hỏi về toán học, học sinh chỉ học toán hay còn bị sa đà vào những thứ khác?... Cá nhân ông không muốn học sinh mới học Tiểu học đã tiếp xúc với máy tính nhiều, không để ý đến cuộc sống xung quanh, rất thụ động.

Về việc chạy đua thành tích để được ưu tiên xét tuyển vào trường chuyên, lớp chọn, ông Cương cho rằng đây là một điều rất mâu thuẫn. Bộ GD ĐT đã có chủ trương giảm nhẹ áp lực học tập đối với học sinh. Những quy định đó là không cho thi học sinh giỏi, cấm dạy thêm, học thêm vậy mà lại cho phép tổ chức các cuộc thi còn căng thẳng hơn hơn cả thi học sinh giỏi

Vì vậy, ông Cương cho rằng, Bộ đã bỏ thi học sinh giỏi cấp Tiểu học thì nên bỏ thi tất cả những cuộc thi mang tính ganh đua như vậy.

Nhận thấy những bất cập, mới đây, Bộ GD ĐT đã có văn bản đề nghị các Sở GD ĐT tiến hành rà soát, báo cáo Bộ G-ĐT về các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay; làm rõ ưu điểm, hạn chế, khó khăn của giáo viên và học sinh khi tham gia các cuộc thi này và đề xuất hướng triển khai trong thời gian tới.

Bộ cũng khẳng định sẽ loại bỏ các cuộc thi không thiết thực, tạo áp lực đối với các học sinh, giáo viên và các nhà trường; làm ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học; gây khó khăn cho học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

img

Tuy nhiên, một chuyên gia giáo dục (xin được dấu tên) thì cho rằng, việc các cuộc thi online bị biến tướng có thể nằm ngoài dự kiến của Bộ GD ĐT. Nó là kết quả tất yếu của việc các chính sách đưa ra chưa hợp lý:

“Bộ không cho các trường “top” thi tuyển (con số trường cần thi tuyển chỉ chiếm khoảng 10 – 30%) nhưng không vạch cho họ con đường đi đúng để có thể xét tuyển theo luật mà không phải dùng đến các ưu tiên thành tích các cuộc thi trên mạng. Ví dụ như có trường năm trước chỉ có 600 chỉ tiêu mà hàng 1000 hồ sơ được lọc ra toàn điểm 10. Họ cho học sinh bốc thăm cũng không được vì dư luận sẽ chê là “chơi trò may rủi”, vậy họ phải làm gì?”

Chuyên gia này cho rằng, Bộ GD ĐT cần có cơ chế đặc thù cho các trường này xét tuyển đúng luật, nếu không việc các cuộc thi lành mạnh bị biến tướng thành việc chạy đua thành tích gây áp lực cho học sinh sẽ khó mà chấm dứt.