Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Donald Trump.
CNN mới đây đã đăng tải nhận định của Frida Ghitis, chuyên gia phân tích của World Politics Review về quyết định áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga của Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama.
Ngày 29.12, ông Obama ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, đóng cửa hai khu nhà được sử dụng để thu thập thông tin tình báo của Nga ở New York và Maryland. Quyết định này được mô tả là lệnh trừng phạt mạnh mẽ “nhằm đối phó trước tình trạng khẩn cấp quốc gia bởi một số hành động có thể làm suy yếu nền chính trị Mỹ”.
Phản ứng ngay trong đêm, ông Trump nói rằng nước Mỹ cần "bước qua" và hòa giải, đồng thời sẽ gặp người đứng đầu cơ quan tình báo nước này để tìm hiểu sự thật về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ nhiều lần cảnh báo về khả năng tin tặc Nga đánh cắp email của Ủy ban Dân chủ Quốc gia Mỹ, giúp Donald Trump chiếm ưu thế trước Hillary Clinton trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.
Washington hồi tháng 10 cũng chính thức đưa ra lời cáo buộc Moscow về vụ tấn công. Ông Obama khi đó dường như chỉ tập trung giúp bà Clinton tranh cử mà không đưa ra quan điểm rõ ràng về Nga.
Quan hệ Trump-Obama đang có dấu hiệu căng thẳng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi, trong tháng cuối cùng ông Obama nắm quyền. Lệnh trừng phạt không chỉ đơn thuần nhằm vào Nga mà còn trực tiếp gây khó dễ cho ông Trump, theo CNN.
Theo nhà phân tích Frida Ghitis, quyết định của ông Obama sẽ khiến Donald Trump khó có thể đảo ngược tình hình khi lên nắm quyền vào tháng 1 tới. Bởi đây là dấu hiệu thể hiện sự ủng hộ của ông Obama đối với kết luận của các cơ quan an ninh Mỹ. Nhiều thành viên trong đảng Cộng hòa cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa, Lindsay Graham nói ngày 28.12: “Nga đang cố thay đổi nền dân chủ trên thế giới”. Thượng Nghị sĩ John McCain gọi hành động của Nga là không thể chấp nhận được.
Đáng chú ý, hai thành viên thuộc đảng Cộng hòa đưa ra tuyên bố tại Latvia, quốc gia Baltic luôn lo ngại trước viễn cảnh bị Nga tấn công.
Quan điểm của ông Trump về Nga cho đến nay luôn kiên định. Tỷ phú bày tỏ những lời ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin, tránh nhắc đến vấn đề tấn công mạng.
Tỷ phú Mỹ phủ nhận kết luận của các chuyên gia an ninh Mỹ về thủ phạm đứng sau việc can thiệp vào bầu cử.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga trong tháng cuối nhiệm kỳ.
Trả lời báo giới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida ngày 28.12 về việc liệu Mỹ có trừng phạt Nga hay không, ông Trump nói: "Tôi nghĩ chúng ta phải sống hoà thuận với nhau. Tôi nghĩ máy tính làm phức tạp cuộc sống rất nhiều, thời đại máy tính khiến không ai biết chính xác những gì đang diễn ra".
Quan hệ Nga-Mỹ sau cáo buộc tấn công mạng, có thể đưa ông Putin xung đột trực tiếp với các Nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, Frida Ghitis nhận định. Nhiều người còn kêu gọi trừng phạt trước khi ông Obama hành động.
Nhà phân trích chính trị của World Politics Review kết luận, ông Obama đã đi nước cờ cao tay, đẩy trách nhiệm về phía Donald Trump.
Liệu ông Trump có dám công khai bảo vệ Putin, dỡ bỏ trừng phạt bất chấp kết luận của cơ quan tình báo Mỹ và các thành viên trong đảng Cộng hòa? Hoặc ông Trump có thể hành động với tư cách một người bảo vệ quốc gia, trước những hành động gây hấn từ nước ngoài?
Cuối cùng, người Mỹ vẫn còn ghi nhớ câu nói “bất hủ” của ông Trump. Tỷ phú Mỹ khẳng định mình “không phải là con rối”, trước những cáo buộc ông thần tượng Putin.