Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra trong 2 ngày 28-29.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá, hàng loạt những khu đô thị với các chung cư cao hàng chục tầng đã mọc lên giữa nội đô khiến giao thông Thủ đô lâm vào cảnh quá tải trầm trọng. "Trong khi đó, mỗi chúng ta, con em, gia đình chúng ta lại đang rất cần các công viên, công trình công cộng để góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững” - Thủ tướng nhấn mạnh. Từ thực tế này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh công tác quy hoạch đô thị. Bởi nếu không sớm khắc phục tình trạng này, trong tương lai ngân sách nhà nước đổ vào không thể đủ để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông. Vì sao các cao ốc mọc lên nhan nhản trong khu vực nội đô? Công tác quy hoạch đô thị Hà Nội thực tế ra sao? Làm sao giải bài toán về những hệ lụy từ cao ốc mọc giữa nội đô như ùn tắc giao thông, ngập lụt... Bộ mặt Thủ đô 20 năm nữa sẽ ra sao...? Tất cả các vấn đề cũng như các câu hỏi của bạn đọc sẽ được hai khách mời của Dân Việt giải đáp trong chiều nay thông qua cuộc giao lưu trực tuyến. Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội. |
Bạn đọc Minhhoangbkh20@gmail.com hỏi: Thưa ông Phạm Sỹ Liêm: Ông đánh giá như thế nào về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rằng chính việc xây dựng các cao ốc trong nội đô khiến giao thông Hà Nội ùn tắc?
TS Phạm Sỹ Liêm đang xem câu hỏi gửi trực tuyến về tòa soạn báo Điện tử Dân Việt. Ảnh: Hà My
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trả lời: Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra rất kịp thời vì dư luận xã hội đã nói nhiều nhưng dường như chưa được Hà Nội quan tâm đúng mức.
Ùn tắc giao thông đô thị có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân thành phố đang cho phép xây thêm quá nhiều cao ốc trong khu vực nội đô, nghĩa là tăng mật độ dân số lên nhưng lại không nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông một cách đồng bộ.
Bạn đọc Lê Tuấn (Từ Liêm, Hà Nội) hỏi ông Phạm Sỹ Liêm: Thưa TS, ông đánh giá thế nào về các cao ốc trong nội đô?
TS Phạm Sỹ Liêm: Tại các đô thị hiện đại, cao ốc được xây dựng nên để tận dụng hiệu quả đất đai thông qua nâng cao mật độ dân số, hiện nay gọi là đô thị nén. Đô thị có mật độ cao giảm chi phí xây dựng hạ tầng kể cả hạ tầng giao thông, đường xá nhưng thường chỉ tập trung ở khu vực trung tâm của đô thị thôi. Nói cách khác, xây dựng cao ốc nội đô nhằm phục vụ phát triển kinh tế đô thị. Càng đi xa trung tâm mật độ dân số giảm dần.
Bạn đọc Hồng Quang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi: Ông đã từng đi nhiều nước trên thế giới. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng ùn tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội với thủ đô các nước ông đã tới, thưa TS Phạm Sỹ Liêm?
TS Phạm Sỹ Liêm: Ùn tắc giao thông đô thị tại Hà Nội có nhiều nguyên nhân mà trước hết là nguyên nhân về quy hoạch và tiếp theo là nguyên nhân về tổ chức thực hiện quy hoạch. Về quy hoạch mà nói thì chúng ta đã xây dựng nhiều khu đô thị mới nhưng thực chất vẫn chỉ là khu nhà ở trong khi thế giới thì người ta quan niệm khu đô thị mới phải nhiều chức năng chứ không chỉ chức năng để ở. Tại đó có cả việc làm và các dịch vụ đi kèm. Người dân có thể chỉ ở, làm việc và mua sắm... tại chỗ không phải đi xa (đi bộ).
Do đó không hề làm căng thẳng giao thông đô thị và không làm tăng mật độ giao thông trên các đường phố nhất là các tuyến chính. Chính là ở đâu, mua đấy, học đấy, đi làm việc tại đấy không cần sử dụng phương tiện cá nhân và đi xa khiến căng thẳng giao thông.
Bạn đọc nthien1982@yahoo.com: Thưa KTS Trần Huy Ánh, được biết hiện ông đang sống tại khu phố trung tâm Hà Nội. Mỗi khi tắc đường ông thường nghĩ tới nguyên nhân nào trước tiên?
Nhà báo Vũ Kiều Minh tặng hoa KTS Trần Huy Ánh (trái). Ảnh: P.V
KTS Trần Huy Ánh: Mỗi khi đi lại trong thành phố tôi cảm nhận có sự khác biệt rất rõ. Nếu trong khu nội đô, đặc biệt là phố cổ, dù có ách tắc giao thông cỡ nào thì cũng sẽ được giải tỏa chỉ từ 15 – 30 phút.
Còn nếu ở những đô thị phía ngoài, chủ yếu là những khu phát triển sau năm 1954, như những khu từ Cầu Giấy ra Hà Đông, Sơn Tây, hoặc ngoại biên cầu Chương Dương, Long Biên, các khu đô thị do KTS Việt Nam quy hoạch, thì với việc phát triển quy hoạch mạnh mẽ 20 năm trở lại đây, có thể nhận thấy tình hình giao thông rất rắc rối, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Là người nghiên cứu đô thị lâu năm điều này cứ khiến tôi suy nghĩ mãi. Việc quy hoạch phát triển đô thị trong 20 năm trở lại đây chất lượng có thể khẳng định là rất kém.
Bạn đọc Hoa Quỳnh (Cầu Giấy, HN): Thưa ông Liêm, việc chủ đầu tư xin cấp phép lấy đất từ các dự án nhà máy, cơ sở, trường học, chợ rồi sau một vài lần chuyển đổi công năng, mục đích thì tiến hành xây cao ốc, trung tâm thương mại cao chót vót có phải là nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay ở Hà Nội?
Tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô đang diễn ra ngày một trầm trọng. (Ảnh: VNN)
TS Phạm Sỹ Liêm: Đúng vậy, việc thay thế các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện ở nội đô bằng các khu đô thị, chung cư cao tầng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng ta phải có một lộ trình rõ ràng và hợp lý trong chính sách hoán đổi đất này.
Tuy nhiên, tôi thấy như hiện nay, Chính phủ chưa có một chính sách rõ ràng đối với việc di dời các trụ sở, các bộ, các bệnh viện trường học lớn ra khỏi trung tâm. Chủ trương di dời là nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng giao thông đô thị nhưng chưa có một lộ trình, kế hoạch rõ ràng bộ ngành nào đi bộ ngành nào không đi? Đất đai để lại dùng vào việc gì...?
Ngoài ra, chúng ta đang thiếu một cơ quan điều phối chung việc này mà theo ý tôi là chính là trách nhiệm của Bộ Xây dựng được Chính phủ ủy quyền, giao phó.
Còn về trách nhiệm của Hà Nội thì khi cấp đất cho việc di chuyển thì không yêu cầu đơn vị phải trả lại đất hiện đang sử dụng, theo ý tôi là khi cấp đất mới thì đơn vị phải có cam kết rõ ràng có trả hay không trả đất cũ vì có nhu cầu sử dụng cho các đơn vị khác trực thuộc.
Ví dụ như bộ thì đi nhưng các cơ quan trực thuộc bộ lại muốn ở lại vì thiếu chỗ làm việc chẳng hạn thì với những trường hợp như vậy, Hà Nội phải xem xét kỹ, có nên đồng ý hay là không?
Bạn đọc tranhoangvan@gmail.com hỏi: Mỗi khi đi lại bằng xe ô tô, ông hay bạn bè người thân ông cảm nhận thế nào về tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội?
KTS Trần Huy Ánh: Tôi thì chỉ đi xe máy, nhưng bạn bè tôi đi xe hơi thì phàn nàn rằng rất mệt mỏi mỗi khi đi ra khỏi nhà. Thứ nhất là thiếu chỗ đỗ. Thứ hai là đường phố thì nhỏ, trong đó có cả nguyên nhân do tình trạng ô tô đỗ dưới lòng đường nhan nhản khắp nơi.
Qua đó có thể thấy quy hoạch của chúng ta rất lỗ mỗ, nhiều khu chung cư hiện này còn không có cả hầm đỗ xe ô tô hoặc thiết kế không đủ chỗ cho dân cư ở đó nên bắt buộc họ phải để ô tô đỗ tràn xuống cả lòng đường, vỉa hè, đơn cử như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính...
Bạn đọc Tuấn (Thanh Trì) hỏi: Thưa ông Liêm, tôi thấy thời gian qua, nhiều dự án chợ cũ được đập bỏ và xây "chợ thương mại" nhưng bản chất là trung tâm thương mại cho thuê văn phòng, căn hộ và tiểu thương. Nhưng nhiều nơi xây xong không thể buôn bán được vì mức phí cao và vắng khách. Chúng tôi đi không được mà ở cũng không xong. Ông nghĩ sao về thực trạng bất cập này?
TS Phạm Sỹ Liêm: Đây là một câu chuyện khá phức tạp, các nhà kinh doanh bất động sản thường tìm những khu đất vàng ở trong đô thị để xây dựng. Nếu tham gia vào việc cải tạo một khu đô thị hiện có thì khá phức tạp vì phải thương lượng tốn kém và thương lượng với nhiều người dân ở khu vực đó.
Một điển hình là thành phố Hà Nội đã có chủ trương cải tạo các khu chung cư cũ nhưng rất hiếm chung cư được cải tạo vì một mặt cũng ít lợi nhuận, mặt khác lại phải thương lượng với nhiều người dân cho nên chỉ những chung cư nào ở vị trí rất đẹp, ví như D2 Giảng Võ, người ta mới chịu khó cải tạo vì đem lại được đủ lợi nhuận.
Do đó các chủ đầu tư bất động sản thường nhắm vào các khu đất của các doanh nghiệp, trường học cơ quan di chuyển đi bởi vì chỉ cần thương lượng với một bên, một đầu mối thôi là "xong" - quá đơn giản.
Tôi lấy ví dụ: Kể cả với các chợ, chủ đầu tư chỉ cần thương lượng với thành phố là xong! Thế thì người ta xây cao ốc ở đấy rồi trả lại đất chợ ở bên dưới tầm hầm, điều này không hề thuận tiện cho người dân. Người ghé vào mua mớ rau nhưng phải gửi xe máy mất tiền với giá tương đương với mớ rau thì sao chịu được?
Bạn đọc thuyit80@gmail.com: Vậy để giải quyết câu chuyện như ông nói ở trên, chúng ta phải làm sao, thưa TS Phạm Sỹ Liêm?
TS Phạm Sỹ Liêm trả lời độc giả của Dân Việt/NTNN. Ảnh: Ngọc Thọ
TS Phạm Sỹ Liêm: Nhân đây, tôi kể một câu chuyện về việc cải tạo chợ truyền thống của một thành phố tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Trên một chợ truyền thống đó, người ta xây tòa cao ốc 12 tầng. Nhưng tầng 1 hoàn toàn để trống để chợ hoạt động như trước đây. Cho nên người dân có thể dừng xe và mua luôn ngay bên đường, vẫn thuận tiện như cũ. Cái này ta có thể học tập họ!
Bạn đọc Hoàng Thanh Tường (Nhân Chính, Hà Nội): Ông đánh giá thế nào về sự tăng đột biến mật độ dân số của Hà Nội những năm trở lại đây?
KTS Trần Huy Ánh: Có thể nói mật độ dân số của Hà Nội thời gian gần đây có tốc độ tăng trưởng quá kinh khủng. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại thì tỷ lệ tăng có thể bằng cả hàng trăm năm phát triển trước đây cộng lại. Ví dụ như diện tích của Hà Nội trong hàng trăm năm trước chỉ đến mức tối đa là 44km2. Nhưng hiện giờ riêng phần nội đô HN đã 160km2, tức là gấp 4 lần.
Trước đó, Hà Nội để mở rộng diện tích nội đô từ 5km đến 44km2 phải mất khoảng 60 – 70 năm. Nhưng chỉ trong chưa đến 10 năm thì diện tích Hà Nội đã tăng lên gấp 4 lần. Chúng ta dễ nhận thấy những khu vực như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân.., từ những cánh động ruộng hoang vắng đã trở thành khu đô thị sầm uất và dần dày đặc với có sức nén dân số kinh khủng.
Diện tích tăng, mật độ dân số Hà Nội cũng tăng lên rất nhanh. Nó vừa thể hiện sự tăng trưởng về kinh tế, thể hiện Hà Nội là một thỏi nam châm vì là nơi có cơ hội sinh kế cao. Nhưng nó cũng làm cho gánh nặng về hạ tầng đô thị tăng thêm, và đặc biệt là làm mất cân bằng phát triển đô thị.
Bạn đọc Lê Dũng Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội): Ông đánh giá thế nào về hậu quả từ việc những khu chung cư, đô thị mới đang mọc lên ngày càng nhiều giữa nội đô Hà Nội?
KTS Trần Huy Ánh: Có thể thấy rõ nhất là mỗi khi có khu đô thị mới ra đời, hoặc thậm chí là những siêu đô thị trong nội đô với mật độ nhà cao tầng dày đặc là sau khi hoàn thành xong đều được lấp đầy ngay. Tuy nhiên trong khi đó, phía Tây Hà Nội có những khu đô thị 10 – 15 năm nay biến thành khu "đô thị ma" - không có người ở.
Với những khu đô thị hay siêu đô thị trong nội đô, ngay sau khi ra đời chúng ta có thể thấy ngay tác động lớn nhất là những tuyến đường xung quanh khu vực đó trở nên quá tải, ùn tắc giao thông hàng ngày. Cảnh hàng đoàn xe ô tô nối nhau chậm chạp bò trên đường là cảnh chúng ta nhìn thấy vào mỗi cuối tuần, hoặc giờ cao điểm hàng ngày… Đó là hậu quả có thể nhìn thấy ngay bằng mắt thường.
Hoặc ngay như con đường Hà Đông – Cát Linh, trước đây chỉ có chức năng là cầu nối Hà Nội với Hà Đông, nhưng nay nó làm nhiệm vụ nối Hà Nội với 20 – 30 cái Hà Đông thì sự tắc nghẽn là điều tất yếu. Qua đó có thể thấy Hà Nội đang là một thành phố phát triển tùy tiện, tự phát. Quy hoạch vẽ một đằng, làm một nẻo.
Bạn đọc Hoàng Duy Nam (Long Biên, Hà Nội): Thu nhập của vợ chồng tôi là 13 triệu đồng/tháng. Tôi làm nhà nước còn vợ làm ngoài, chúng tôi có 2 cháu nhỏ, muốn sở hữu một căn hộ giá rẻ nhưng lại quá xa trung tâm. Theo ông, phương án tốt nhất cho vợ chồng tôi có thể sở hữu căn hộ, thưa ông Phạm Sỹ Liêm?
TS Phạm Sỹ Liêm: Về vấn đề nhà ở giá rẻ đây là một hạn chế rất lớn trong chính sách nhà ở quốc gia. Về vấn đề này vừa qua đã có một Hội thảo về chính sách nhà ở xã hội. Tôi đã chỉ ra 5 nhược điểm lớn của chính sách nhà ở xã hội hiện hành.
Một là nó tách rời với chính sách nhà ở quốc gia bởi vì chính sách nhà ở quốc gia coi trọng phát triển nhà ở giá rẻ cho đối tượng có thu nhập trung bình thì những người thu nhập thấp có thể mua hoặc thuê nhà ở cũ của các hộ này khi họ vào nhà mới.
Thứ hai là đối tượng chính sách nhà ở xã hội quá rộng mà trong khi đó Nhà nước khả năng còn hạn hẹp cho nên chỉ có thể giúp đỡ khó khăn nhất trong số những người khó khăn mà cũng không thể căn cứ vào thu nhập. Thu nhập biết được chỉ một phần còn thu nhập không biết được còn khá lớn.
Do đó nên căn cứ vào tình trạng nhà ở, ai không có nhà ở, đang ở nhờ, hoặc quá chật chội: Vài ba mét vuông tính theo đầu người thì phải ưu tiên số người này trước hết.
Nhược điểm thứ 3 là quá coi trọng vấn đề sở hữu nhà ở mà coi nhẹ vấn đề cho thuê nhà ở trong chính sách nhà ở xã hội, các nước tập trung chủ yếu vào nhà ở cho thuê giá rẻ. Còn nhà ở giá rẻ là nhà ở thương mại (tức để bán - có tiền thì mua). Người công nhân dù là giá rẻ làm sao mua nổi thì thuê cho vợ chồng con cái ở.
Nhược điểm thứ 4 là việc giúp đỡ giao cho bên cung chứ không phải giao cho bên cầu. Nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc giúp đỡ thông qua bên cung thường không đến được bên cầu cho nên nhiều nhà ở xã hội chúng ta lại rơi vào hộ thu nhập trung bình, thậm chí là người thu nhập khá (họ mua 2-3 căn hộ và đánh thông tường thành một căn hộ lớn).
Nhược điểm cuối cùng là không thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội. Đáng lẽ công đoàn các đoàn thể phải tham gia bình chọn những người có nhu cầu và hoàn cảnh thực sự chứ không phải giao cho ông chủ đầu tư quyết định lựa chọn muốn bán cho ai thì bán.
Vuminhan1965@yahoo.com: Dường như quy hoạch của Hà Nội bị buông lỏng trong một thời gian dài, thậm chí vai trò của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội quá mờ nhạt, dẫn đến việc Hà Nội phát triển tự phát, tùy tiện như ông vừa đề cập ở trên?
KTS Trần Huy Ánh trả lời độc giả Dân Việt trong cuộc giao lưu trực tuyến. Ảnh: P.V
KTS Trần Huy Ánh: Nhiều lúc tôi tự hỏi bây giờ nghề quy hoạch có cần không? Vì tôi nhớ ngày xưa mỗi lần Hà Nội có vấn đề người ta phê phán quy hoạch. Khi người ta phê phán thì có nghĩa là người ta vẫn còn tin vào quy hoạch, tức là người ta nghĩ quy hoạch là một giải pháp để thành phố tránh khỏi rắc rối.
Nhưng bây giờ quy hoạch chẳng là gì cả, có thể sửa bất cứ lúc nào. Cứ cái gì ra tiền thì họ làm, chung cư bán được làm chung cư, bệnh viện ra tiền thì làm bệnh viện… Thế thì quy hoạch để làm gì? Vậy là mọi toan tính về quy hoạch đều vô nghĩa. Hoặc với quy hoạch khu phố cổ chẳng hạn. Muốn xây mấy tầng lên để có lợi là xây. Thậm chí nếu cần xây luôn cái khách sạn 8, 9 tầng ngay cạnh Hồ Gươm.
Vậy quy hoạch để làm gì? Thi quy hoạch cũng có. Quyết định quy hoạch để bảo tồn khu phố cổ, khu Hồ Gươm và vùng phụ cận cũng có. Thế rồi tranh luận về những nhà cao tầng cũng có. Đùng một cái ông lại triển lãm quy hoạch cái khách sạn cao vống tới 8 tầng. Rồi ngành quản lý quy hoạch lại đề nghị cơ quan A, cơ quan B chữa lại quy hoạch, giảm các chỉ tiêu quy hoạch, bỏ bớt ra những không gian cần bảo tồn. Vậy thì quy hoạch chẳng còn giá trị gì nữa. Từ chỗ quy hoạch không có chất lượng, giờ thì thành ra kiểu chẳng cần quy hoạch nữa, muốn làm gì thì làm.
Bạn đọc Hà Anh (Gia Lâm): Quy hoạch Thủ đô trong thời gian tới về xây dựng phải làm sao để giảm áp lực giao thông, thưa ông?
TS Phạm Sỹ Liêm đang nghe câu hỏi trực tiếp của độc giả báo Dân Việt/NTNN. Ảnh: Ngọc Thọ
TS Phạm Sỹ Liêm: Để giảm áp lực giao thông nên nghiên cứu chuyển đổi các khu đô thị hiện có thành khu đô thị đa chức năng, ví dụ, tăng thêm việc làm ở quận Hà Đông chứ hiện nay hằng ngày người dân tại các quận Hà Đông vào trung tâm làm việc rất nhiều gọi là Giao thông con lắc - sáng đi chiều về. Buổi chiều chiều ra rất đông. Buổi sáng chiều vào cực lớn.
Mai Đức Dũng (dungmaiduc29@gmail.com): Thưa KTS Trần Huy Ánh, trong việc quy hoạch Hà Nội, có thể thấy vai trò của cơ quan quy hoạch kiến trúc rất mờ nhạt dẫn đến quy hoạch lộn xộn, lung tung. Có người đặt vấn đề phải chăng có lợi ích nhóm trong đó không thưa ông?
KTS Trần Huy Ánh: Đúng như bạn nhận định, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang tự hạn chế vai trò của mình khi là người đẻ ra các quy hoạch, sau đó lại chính mình đi trình xin sửa các quy hoạch đó mà đôi lúc không có lý luận. Về việc có hay không lợi ích nhóm trong đó như câu hỏi của bạn, tôi không phải là cơ quan điều tra để có thể trả lời cho bạn câu hỏi đó.
Nhưng về mặt chuyên môn tôi có thể thấy người làm quy hoạch phải đưa ra được một kịch bản quy hoạch để dựa trên đó quy hoạch thành phố phát triển. Tuy nhiên, khi kịch bản đó không thể phát triển được nữa thì anh ấy chữa. Nhưng càng chữa thì kịch bản đó càng rối rắm, phức tạp hơn, thậm chí cản trở chính sự phát triển của thành phố.
Có thể thấy ngay hệ lụy trong vấn đề giao thông. Càng chỉnh sửa quy hoạch thì đường càng tắc. Thậm chí mở rộng đường thì đường lại càng tắc. Có những đường vừa mở rộng chỉ trong vòng 1 – 2 năm lại lâm vào cảnh tắc nghẽn. Hay việc Hà Nội ngập lụt nặng nề những năm gần đây cũng chính là do những người quản lý quy hoạch trước đây đã làm không tốt quy hoạch Thủ đô.
Như vậy, tác động của quy hoạch rất mờ nhạt và ít giá trị. Những người làm quy hoạch, quản lý quy hoạch theo tôi là chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Bạn đọc Hungtkq77@gmail.com: Thưa ông Liêm, sau chỉ đạo của Thủ tướng, với những dự án cao ốc nhằm bán và cho thuê căn hộ để ở đã xây xong và sắp xây thì theo ông phương án xử lý thế nào?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Nhiều đô thị trên thế giới người ta cũng có cao ốc rất nhiều ở trong nội đô điển hình là HongKong, Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc) thế nhưng không làm tắc nghẽn giao thông vì hạ tầng kỹ thuật giao thông của họ rất tốt và quy hoạch rất tốt như HongKong là 50% người dân đi làm bằng phương tiện công cộng, 45% đi bộ đi làm. Chỉ có 5% đi làm bằng phương tiện cá nhân.
Cho nên chúng ta nhìn trên ảnh có thể nói họ tầng tầng lớp lớp không có dư một mét vuông nào, lên cả trên núi cao nhưng không có tắc nghẽn là vì tổ chức giao thông của họ tốt. Còn ta thì chỉ lo xây nhà mà giao thông vẫn như cũ chẳng hạn như ở Giảng Võ nếu xây nhà 50 tầng thì phải kết hợp cải tạo toàn bộ chung cư cũ tại đây và đường Ngọc Khánh và đường Núi Trúc còn đường Giảng Võ cũng phải được nâng cấp.
Đằng này chỉ tách ra xây một khu 50 tầng mà khu chung cư Giảng Võ vẫn là cái “ruột gà”, hiện nay cũng đã chật chội lắm rồi. Cho nên trong tương lai có thể thấy ngã tư Giảng Võ sẽ thành một điểm đen giao thông.
Vấn đề xây nhà cao ốc tại các khu đất vàng là mục tiêu của các nhà kinh doanh bất động sản nhằm đạt được lợi nhuận tối đa. Điều đó không có gì đáng trách với họ vì mục đích của họ là đạt lợi nhuận tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Cái đáng trách là người thực hiện quản lý quy hoạch, vì sao lại cho phép họ làm điều đó.
Do đó tôi nghĩ cần thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm rõ ai cho phép làm vậy để báo cáo lên Thủ tướng và thông báo cho nhân dân biết!
Có như vậy mới có thể chấm dứt được tình trạng xây cao ốc tràn lan trong nội đô, như vậy mới lập lại trật tự trong quản lý, xây dựng đô thị.
Bạn đọc Le_hoang_dung@yahoo.com: Chúng ta có kế hoạch di chuyển khỏi nội đô các nhà máy, bệnh viện gây ô nhiễm, nhưng sau đó chúng ta lại đặt vào đó các tòa nhà chung cư, các khu đô thị và siêu đô thị. Đây phải chăng là hệ quả tất yếu của một đô thị trên đường phát triển như Hà Nội, thưa KTS Trần Huy Ánh?
KTS Trần Huy Ánh: Lời giải của một thành phố phát triển phải là chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn. Điều này được thể hiện cụ thể là không gian sống phải sạch hơn, xanh hơn, phải tăng cường không gian mặt nước cây xanh, không gian công cộng, giảm bớt cơ sơ sản xuất gây ô nhiễm. Đưa trường học, nhà máy, bệnh viện ra khỏi nội đô để quỹ đất đó giá trị hơn, tích lũy trở thành động lực phát triển. Nhưng thực tế có đúng như mong muốn ban đầu hay không?
Thực tế chất lượng sống thay đổi không đáng kể: Không gian mặt nước cây xanh không tăng mấy, thử hỏi Hà Nội giờ có thêm bao nhiêu công viên, bao nhiêu hồ mới. Chất lượng không khí thì ngày một tồi tệ hơn khi mật độ dân số tăng quá cao. Cái này chúng ta thấy rõ. Ngược lại, bao nhiêu mặt ruộng ven đô được lấp đi, có những khu đô thị mọc lên chẳng để làm gì… Đó là hậu quả một cuộc phát triển vô nghĩa, tùy tiện. Rồi chúng ta sẽ phải trả giá rất lớn cho những sự sai lầm này.
Bạn đọc Hoàng Trung (Từ Liêm) hỏi: Thưa ông Phạm Sỹ Liêm, làm sao để giải quyết bài toán hài hòa giữa xây dựng và giao thông?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Về vấn đề xây dựng chung cư cao tầng tại các khu đô thị hiện có thì phải được thực hiện thông qua quy hoạch cải tạo đô thị, khác với quy hoạch khu đô thị mới. Quy hoạch cải tạo đô thị thường được thực hiện với ô phố được giới hạn bằng 4 đường phố xung quanh chứ không phải bằng cách xây chen vào những miếng đất nào dễ thấy giải phóng được.
Bởi như thế chỉ tăng mật độ xây dựng, mật độ dân số mà không thay đổi được kết cấu hạ tầng. Thông thường quy hoạch cải tạo đô thị không chỉ là để mật độ xây dựng mà còn bổ sung các công trình công cộng đang thiếu trong khu vực như: công viên, trường học, khu vui chơi…
Còn xây chen thì mục đích hiện nay chỉ là tăng diện tích xây dựng và bán, thu lợi nhuận. Tất cả phải vì mục đích chung của cộng đồng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bạn đọc Đặng Huy Tuấn (Ba Đình, Hà Nội): Theo đánh giá của ông, với hiện trạng quy hoạch và quản lý đô thị như hiện nay, trong 10 – 20 năm nữa, bộ mặt đô thị Hà Nội sẽ ra sao, thưa KTS Trần Huy Ánh?
KTS Trần Huy Ánh: Tôi thì cách đây 5 – 7 năm có thảo luận, lúc đó Hà Nội rền vang những bài học từ Thượng Hải, Thâm Quyến đến Singapore, ở Pháp thế này, Ý thế kia…? Nhưng có một giáo sư của ĐH Hawaii đã đến và nói rất chân tình: Các bạn muốn nhìn thấy Hà Nội thế nào trong tương lai, hãy sang Manila (Philippines. Nó gần với các bạn hơn rất nhiều.
Đúng vậy, tôi đã tới Philippines rất nhiều lần. Một đất nước loay hoay trong các món vay nợ, vật vã đi tìm chính mình. Tôi đã đến Manila 16 lần và quả thật tôi đã nhìn thấy tương lai Hà Nội qua hình ảnh Manila.
Thành phố đầy rẫy những căn bệnh như Hà Nội mắc phải, dễ thấy nhất là căn bệnh “đầu to”. Nghĩa là họ làm mấy thành phố vệ tinh cách thủ đô 10km, nhưng chỉ trong 10 – 20 năm phát triển bừa bãi, bị dính liền với nhau thành một thành phố không có giới hạn. Giữa những sự lôm nhôm như thế thì họ phải chịu hệ lụy là tắc đường, ngập lụt, những khu ổ chuột...
Nếu Hà Nội mà không cẩn thận, một ngày đẹp trời nào đó, những khu đô thị ma ở phía Tây dính lại với nhau thì cũng lâm vào cảnh y như Manila thôi. Cái đó để nói rằng vai trò của quy hoạch và quản lý đô thị là cực kỳ quan trọng. Đó là bài toán cần phải được giải cho nhiều thập kỷ, nhiều thế hệ chứ không phải bài toán giải với tư duy nhiệm kỳ 5 – 10 năm như hiện nay.
Sau gần 2 giờ, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "Cao ốc tràn nội đô, giao thông thêm bế tắc" đã kết thúc với nhiều vấn đề được hai khách mời giải đáp. Trong quá trình giao lưu, Dân Viêt cũng đã nhận được hơn một trăm câu hỏi từ bạn đọc. Tuy nhiên vì thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi xin được trả lời bạn đọc sau. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi cuộc giao lưu trực tuyến trên Dân Việt! |