Quyết định thứ nhất là Mỹ không phủ quyết trong HDBA LHQ dự thảo nghị quyết do New Zealand, Malaysia, Venezuela và Senegal đưa ra với nội dung lên án Israel về việc xây dựng trái phép các khu định cư cho người do thái trên những khu vực lãnh thổ của người Palestin. Nghị quyết này xác lập từ nay quan điểm chính thức của LHQ và HĐBA LHQ về vấn đề ranh giới và lãnh thổ của người Palestin và do đó bác bỏ hoàn toàn mọi biện pháp chính sách liên quan của Israel. Mỹ chưa lần nào thay đổi quan điểm thái độ đến như vậy đối với Israel và trong LHQ.
Quyết định thứ hai của ông Obama là nhằm vào Nga. Sau những cáo buộc công khai nặng nề cho rằng Nga và cá nhân tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi ở Mỹ, giúp ông Donald Trump của Đảng Cộng hoà thắng cử và góp phần làm cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton bị thua, ông Obama đã quyết định một số biện pháp trừng phạt Nga.
Những biện pháp này trước mắt là trục xuất 35 nhà ngoại giao của Nga, đóng cửa 2 cơ sở ngoại giao của Nga ở New York và Maryland, đưa lãnh đạo cơ quan tình báo và mật vụ của Nga cũng như ba công ty và hai cá nhân khác nữa vào "danh sách đen" bị Mỹ trừng phạt.
Cách thức trừng phạt này không chỉ vốn thường thấy mà còn được coi là một trong những biểu tượng của chiến tranh lạnh thủa trước. Ông Obama đưa ra những quyết định nói trên trong nhận thức đầy đủ là phía bên kia sẽ phản ứng và trả đũa. Phía Israel đã hành động và phía Nga đang hành động.
Với những quyết sách bất ngờ này, ông Obama theo đuổi đồng thời nhiều mục tiêu. Dù vậy, chúng không che đậy nổi một thực tế là ông Obama đã bất lực và bế tắc trong xử lý quan hệ với cả Israel lẫn Nga.
Trong cả hai nhiệm kỳ cầm quyền ở Mỹ, ông Obama đã không thành công với việc thúc ép Israel đi vào đàm phán hoà bình thực sự với Palestin cũng như không có phương cách hiệu quả để ngăn cản thách thức của Nga trong vấn đề Ucraine cũng như vấn đề Syria.
Tổng thống Obama đã có những quyết định cứng rắn cuối nhiệm kỳ.
Ông Obama dùng những quyết sách bất ngờ nói trên trước hết để gỡ gạc thể diện và uy danh cá nhân, để chứng tỏ là hiện vẫn đang cầm quyền chứ không bị người kế nhiệm chưa nhậm chức lấn át và biến thành cái bóng. Chúng còn là cú đòn hiểm của ông Obama khi gây khó khăn và khó xử mới cho Israel và Nga, nhưng đồng thời cho cả ông Trump ở Mỹ, đặt ông Trump, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và ông Putin trước những sự đã rồi ở Mỹ và trong quan hệ của Mỹ với hai đối tác này.
Cái hiểm của ông Obama trong chuyện này là đẩy ông Trump sau khi chính thức cầm quyền quyết định theo hướng nào cũng dở. Ông Trump không hề dấu diếm gì thiện cảm với ông Putin và ông Netanyahu cũng như thiện chí cải thiện và thúc đẩy quan hệ của Mỹ với Israel và Nga. Khi cầm quyền, ông Trump có thể làm đảo ngược những quyết sách vừa rồi của ông Obama, nhưng nếu hành xử như thế thì sẽ không tránh bị mắc mớ mới và thêm nữa với Đảng Cộng hoà và với bộ phận không nhỏ dân biểu thuộc Đảng Cộng hoà trong quốc hội Mỹ.
Muốn cầm quyền yên ổn và thành công, ông Trump không thể không dựa cậy và tranh thủ các vị dân biểu của đảng này trong quốc hội. Ông Obama gia tăng căng thẳng và đối đầu giữa Mỹ với Nga và Israel, nhưng đồng thời cũng còn gây chia rẽ và bất hoà giữa ông Trump và Đảng Cộng hoà.
Còn nếu ông Trump duy trì những biện pháp của ông Obama thì không chỉ gián tiếp xác nhận là ông Obama đã có quyết sách đúng ở thời điểm cuối thời và khi ấy mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump với ông Putin và ông Netanyahu sẽ không thể không bị ảnh hưởng tiêu cực. Nga và Israel không thể không lưu ý đến những cái khó xử mới đối với ông Trump khi ăn miếng trả miếng ông Obama.