Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ đề xuất tăng tối đa giờ làm thêm theo hai phương án.
Phương án thứ nhất khống chế giờ làm thêm theo năm, tối đa không quá 600 giờ mỗi năm, đảm bảo tổng giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ mỗi ngày, không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt.
Phương án hai bỏ khống chế theo năm, tổng giờ làm việc bình thường và làm thêm không quá 12 giờ mỗi ngày, không quá 5 ngày liên tục mỗi đợt làm thêm.
Dệt may là một trong số ít ngành được làm thêm 300 giờ mỗi năm theo quy định hiện hành. Ảnh: Anh Quân
Ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Pháp chế (Bộ Lao động) cho biết, thời gian làm thêm tối đa 600 giờ mỗi năm như phương án một được đề xuất áp dụng cho lao động làm việc trong điều kiện bình thường lẫn trường hợp đặc biệt. Đề xuất này dựa trên nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động muốn làm thêm để tăng thu nhập.
"Tổng kết cho thấy nhiều doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận làm thêm đến 500-600 giờ mỗi năm. Đây là nhu cầu xuất phát từ cả hai phía", ông nói.
Ngoài ra, tăng giờ làm thêm để tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước châu Á. Theo thống kê, số giờ làm thêm của Việt Nam đang thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, như Lào 45 giờ mỗi tháng, Campuchia và Philippines không khống chế.
Luật hiện hành quy định giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Nếu làm việc theo tuần thì tổng giờ làm bình thường và làm thêm không quá 12 giờ một ngày, không quá 30 giờ mỗi tháng và không vượt quá 200 giờ mỗi năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Sau mỗi đợt làm thêm tối đa liên tục 7 ngày trong tháng, chủ doanh nghiệp phải bố trí để người lao động được nghỉ bù thời gian không được nghỉ. Nếu không cho nghỉ bù đủ thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 Luật lao động.
Bộ Lao động dự kiến tháng 3 sẽ trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 4 sẽ trình Quốc hội về dự luật.
Điều 4, Nghị định 45/NĐ-CP quy định làm thêm từ trên 200 đến 300 giờ mỗi năm áp dụng với các trường hợp: - Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản. - Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước. - Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn. |