Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Nẵng, trong một gia đình công chức bình thường. Nếu phải tóm tắt cuộc đời mình trong hai chữ, chắc hẳn đó phải là hai chữ “bình thường”. Bố mẹ tôi là công chức nhà nước, có cuộc sống không giàu cũng chẳng nghèo, chẳng phải hạnh phúc viên mãn cũng chẳng phải mâu thuẫn gì to lớn.
Hình minh họa
Tôi nhan sắc bình thường, học hành bình thường, mọi thứ đều bình thường. Rồi tôi đỗ vào một trường Đại học thuộc hàng… bình thường ở ngay Đà Nẵng. Cuộc sống cứ vậy đều đặn trôi qua. Ai bảo nó tẻ nhạt cũng đúng, mà mỹ miều cho rằng nó an nhiên, tự tại cũng chẳng sai. Nhưng quan trọng là tôi cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống bình thường mà ông trời ban cho mình. Có bố mẹ để yêu thương, để nũng nịu, có cô em gái "hột gà hột vịt" để cùng nhau làm nhiều điều ngớ ngẩn của lũ con gái, có bạn bè để tụ tập… Và rồi có anh – người đàn ông sẽ đi bên cạnh tôi suốt cuộc đời – cũng là một người bình thường chẳng có gì nổi bật.
Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bố mẹ cũng là công chức nhà nước. Cũng vì học hành… bình thường và muốn thử sức với cuộc sống tự lập nên anh vào Đà Nẵng học đại học. Chúng tôi quen nhau, yêu nhau rồi kết hôn cũng nhẹ nhàng như vậy. Trước khi cưới, tôi chuyển ra Hà Nội công tác. Cưới xong, chúng tôi ở cùng với bố mẹ chồng vì anh là con út, các anh chị đều đã lập gia đình và ở riêng. Thú thực là tôi cũng có chút run bởi đọc báo rồi nghe mọi người nói chuyện, tôi hơi sợ cảnh làm dâu Bắc. Đặc biệt, mẹ chồng tôi lại là con gái Hà Nội gốc, nữ công gia chánh phải nói là hàng đỉnh. Nhưng cuộc sống gia đình của tôi lại rất nhẹ nhàng, chẳng có chút gì căng thẳng.
Ngày đầu tiên về làm dâu, trước mặt cả gia đình và cả đoàn nhà gái, mẹ chồng tôi chỉ nói với tôi một điều: “Mẹ không ghê gớm, không cực đoan và cũng chẳng phải hiền lắm đâu. Nhưng làm dâu mẹ dễ lắm. Mẹ chỉ cần con dâu mẹ hai chữ thôi, đấy là BIẾT ĐIỀU".
Quả như lời mẹ nói, bà không xét nét con cái, không bắt tôi phải thế này thế kia nhưng cũng không dễ dãi. Bà vẫn nấu món ăn Bắc, tôi dần dần cũng quen với khẩu vị của cả nhà. Những hôm cuối tuần, bà bảo tôi đổi vị nấu món Đà Nẵng cho cả nhà thưởng thức. Hay có những buổi, theo thói quen, nấu món gì đó tôi lại dùng mắm nêm, lạc vị, bà chẳng quát mắng, chỉ cười bảo: "Thôi ăn thử, không hợp thì thôi.” Bà dẫn tôi đến chơi khắp lượt họ hàng, bạn bè thân thiết để giới thiệu, để “ra đường nhỡ đụng xe đừng có mà cãi nhau”.
Năm đầu làm dâu trôi qua nhẹ nhàng vậy. Chúng tôi chưa có ý định có em bé, mẹ cũng chẳng nói gì. Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi tủi thân, nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ những ngày Tết hai chị em tíu tít làm đủ món bánh vớ vẩn. Tôi gọi điện về chúc Tết bố mẹ rồi chẳng hiểu sao cứ thế khóc tu tu như một đứa trẻ. Mẹ chồng tôi đi qua, vô tình nhìn thấy, bà lặng lẽ đứng cạnh tôi, nói: "Ngày xưa lúc mới lấy bố con, chỉ cách nhà ông bà ngoại có mấy cây số thôi mà Tết đến mẹ cũng buồn lắm, cũng khóc như mưa. Rồi phải quen thôi con à, biết làm sao được. Mình thân đàn bà thiệt thòi lắm". Tôi như được an ủi phần nào. Rồi thì Tết cũng qua.
Lại một cái Tết nữa gần đến. Tôi lần lữa không biết có nên xin bố mẹ chồng về Đà Nẵng ăn Tết không. Tết dương lịch, mẹ chồng tôi làm bữa cơm tất niên, tụ họp đầy đủ con cháu. Tôi lại có chút chạnh lòng nhớ bố mẹ. Em gái tôi cũng mới lấy chồng, vậy là giờ chỉ có hai ông bà lủi thủi. Rồi ít nữa đến Tết nguyên đán, lại hai thân gia ăn Tết với nhau.
Ăn cơm xong, mẹ tôi gọi cả nhà vào bàn uống nước. Mẹ cầm một bao lì xì to, lại gần tôi và bảo: “Năm nay mẹ lì xì cái út sớm. Con mở ra đi". Vợ chồng tôi chưa hết ngạc nhiên, bóc phong bao mẹ đưa, tôi lặng người, nước mắt cứ thế tuôn ra, tôi ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở. Cả nhà không hiểu có chuyện gì thì mẹ bảo: “Con nào cũng là con, cha mẹ nào cũng là cha mẹ. Tết nhất, bố mẹ nào cũng muốn con cái sum vầy. Nhưng thôi, bố mẹ ở đây còn có các anh các chị với các cháu, bố mẹ con năm nay ăn Tết một mình đấy". Thì ra mẹ đã mua vé máy bay cho hai vợ chồng tôi về Đà Nẵng ăn Tết.
“Mẹ mua cho chúng mày vé khứ hồi luôn rồi. Mồng 3 lại về đây với mẹ. Ăn chơi nốt năm nay đi, năm sau thì cho tôi đứa cháu!”.
Hình dung ra cảnh bố mẹ ngỡ ngàng đón vợ chồng tôi trước giao thừa mà tôi thấy lòng mình rộn ràng. Không kiềm chế được mình, tôi ôm mẹ rồi khóc nức nở.
Ăn Tết nhà ngoại – câu chuyện không hề mới nhưng năm nào cũng làm nhiều gia đình phải trăn trở. Vì sao những nàng dâu mong về nhà ngoại ngày đầu năm tới vậy?. Đến bao giờ câu chuyện này mới không còn là nỗi đau đầu? Hãy lắng nghe và chia sẻ câu chuyện của bạn trong chuyên đề “Ăn Tết nhà ngoại” của Báo điện tử Dân Việt. Địa chỉ nhận mail: loisongsuckhoe@gmail.com. |