Xác 2 con trâu bị xe tông chết, nằm giữa đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tại KM 3+200 (đoạn cách nút giao thông An Phú khoảng 700 m thuộc phường An Phú, quận 2, TP.HCM) tháng 6.2016.
Đi trên tuyến cao tốc này, có thể nhận thấy đường gom dân sinh, cầu vượt, hầm chui để người dân hai bên tuyến đi lại được xây dựng rất ít. Theo Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, đơn vị vận hành khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến cao tốc hiện mới có 14 cống chui và 4 cầu vượt dân sinh cho đoạn tuyến từ Quốc lộ 51 đến nút giao Dầu Giây.
Thiếu hầm chui, cầu vượt dẫn đến tình trạng dân tự ý lấn chiếm, vi phạm hành lang đường cao tốc. Tại một số điểm trên cao tốc, đã xảy ra tình trạng người dân tháo gỡ hàng rào kẽm gai 2 bên đường rồi tự ý mở hàng rào để lưu thông bên trong hành lang.
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho biết từ khi cao tốc hình thành, gia đình ông và hơn chục hộ dân ở khu vực này lâm vào cảnh nhà ở bên này, nhưng làm ruộng phía bên kia đường cao tốc. Vì vậy, mỗi ngày không biết mấy lần họ phải băng đường, đi giữa làn xe cộ đông đúc, đang lao vun vút để đến nơi làm ruộng.
Theo phản ánh của người dân, các ngành chức năng của địa phương và đơn vị chủ quản đường cao tốc đã nhiều lần khảo sát nhằm tìm phương án khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào được đưa ra. Không còn cách nào khác, hàng ngày người dân buộc phải “liều mạng” băng ngang đường cao tốc để đi vào vị trí đất nhà mình.
Trong khi đó, anh Nguyễn Phúc - một tài xế thường xuyên lưu thông trên cao tốc thổ lộ, đường thì hư liên tục, còn các biển báo giảm tốc thì lại gần mới thấy chữ. “Riêng đèn chiếu sáng thì có hôm chỉ sáng từng đoạn, những chỗ khác tối thui rất nguy hiểm khi xe đang chạy nhanh” - anh nói.
Thỉnh thoảng có khá đông xe máy “đi lạc” vào đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai đã nhiều lần yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam xây thêm đường gom dân sinh, cầu vượt, hầm chui ở đường cao tốc nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện. Nếu có đường, cầu vượt thì tình trạng vi phạm hành lang an toàn trên tuyến cao tốc sẽ chấm dứt.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn, đơn vị vận hành khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho rằng, những bất cập khi tuyến đường đi vào hoạt động đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sản xuất của người dân. Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc bố trí đường gom dân sinh, cầu vượt… cần phải phù hợp với tuyến đường để đảm bảo an toàn hành lang giao thông. Đối với những khu vực có dân cư sinh sống đông sẽ khảo sát lại để tiến hành bố trí xây dựng đường dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55 km với tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng, đi qua địa bàn TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Quy mô cao tốc gồm 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế từ 100 - 120 km/h.