Dân Việt

Chuyên viên Phòng Nội vụ cầm đầu đường dây làm bằng giả liên tỉnh

Đăng Nhật 06/01/2017 13:17 GMT+7
Lợi dụng internet và mạng xã hội, các đối tượng đã nhiều lần thực hiện hành vi làm giả và mua bán các văn bằng giả, chứng chỉ và tài liệu khác. Cầm đầu đường dây này lại là một chuyên viên phòng nội vụ huyện Đan Phượng (TP.Hà Nội).

img

Các đối tượng trước vành móng ngựa.

Trong 2 ngày 5 và 6.1, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã xét xử sơ thẩm đối với 10 bị cáo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Các bị cáo gồm Hoàng Đức Huấn (sinh năm 1986, trú tại xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội), Trịnh Văn Chung (sinh năm 1989, trú tại Hà Đông, Hà Nội), Lê Quang Phát (sinh năm 1991, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), Lê Quang Lâm (sinh năm 1988, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Trịnh Văn Nam (sinh năm 1990, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Võ Nguyễn Xuân Đan (sinh năm 1972, trú thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), Nguyễn Quốc Hương (sinh năm 1976, trú thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk), Phạm Thị Hồng An (sinh năm 1994, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội), Bùi Thị Mỹ Phương (sinh năm 1990, trú huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) và Đinh Thanh Lam (sinh năm 1987, trú huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Theo cáo trạng, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo... các đối tượng trên đã thành lập đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để bán cho khách hàng.

Tháng 2.2016, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã bắt quả tang đối tượng Phượng cùng chồng là Lam đang bán chứng chỉ tiếng Anh giả cho một đối tượng tại một quán cà phê. Từ manh mối này, Cơ quan chức năng đã triệt phá được đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do đối tượng Huấn - chuyên viên phòng nội vụ huyện Đan Phượng cầm đầu.

Từ tháng 12.2014 cho đến khi bị bắt (tháng 2 và 3.2016), các đối tượng trên đã thu lợi bất chính trên 135 triệu đồng từ việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ hàng chục nghìn phôi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bằng cấp giả các loại.

Kết thúc phiên xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt bị cáo Huấn 2 năm 6 tháng tù giam; các bị cáo Chung, Phát, Lâm cùng 2 năm tù giam; các đối tượng Nam, Đan, An, Phương cùng 18 tháng tù giam; 2 bị cáo còn lại là Hương và Lam cùng 18 tháng tù treo. Các đối tượng trên còn phải nộp phạt bổ sung mỗi người 5 triệu đồng.

Liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra cũng xác định được 360 đối tượng mua chứng chỉ, văn bằng giả của các bị can; qua đó thu giữ được hơn 270 chứng chỉ, bằng cấp giả. Công an tỉnh Gia Lai đã cung cấp thông tin, tài liệu và có văn bản đề nghị công an các địa phương, các cơ quan chủ quản xử lý riêng đối với các đối tượng này.