Dân Việt

Không nấp sau cabin xử phạt để dẹp xin xỏ vi phạm giao thông

Vinh Hải 06/01/2017 14:00 GMT+7
Cán bộ Ban An toàn giao thông (ATGT) cho rằng cần minh bạch hóa việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng công vụ để dẹp xin xỏ trong vi phạm giao thông.

img

Lực lượng thực thi công vụ cần minh bạch quá trình kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông để hạn chế tình trạng xin xỏ .

Tại cuộc họp trực tuyến về an toàn giao thông vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu: “Cần phải làm nghiêm hơn nữa, kiên quyết không được bao che, dung túng vi phạm. Không thể để tình trạng cứ vi phạm là lôi điện thoại gọi cho người thân, rồi tình trạng dấm dúi chia đôi, tiêu cực nhũng nhiễu”. 

Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: “Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo như vậy và tới đây, Văn phòng Chính phủ sẽ có thông báo kết luận để tất cả các Bộ, ngành, địa phương thực hiện”.

Chánh văn phòng Ủy ban ATGT cho rằng quan điểm của Ủy ban là các hành vi vi phạm phải được xử lý theo đúng thẩm quyền của lực lượng CSGT và các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

“Các hành vi vi phạm cần được lực lượng thực thi công vụ xử lý nghiêm, công bằng và nghiêm túc. Còn có các biện pháp triển khai như thế nào, theo tôi Bộ Công an sẽ có chỉ đạo cụ thể đối với lực lượng CSGT thực thi” – ông Thái cho hay.

Còn ông Trần Ngọc Sơn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai đánh giá: “Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là rất chuẩn, bây giờ phải thực hiện như thế nào chứ không thể hô khẩu hiệu chung chung”.

Theo ông Sơn phải minh bạch quy trình kiểm tra xử lý vi phạm để người dân có thể giám sát còn người thực thi công vụ phải chấp pháp nghiêm minh.

Ông Sơn cho hay: “Để khuyến khích người dân giám sát vi phạm, cần thưởng và bảo mật thông tin người cấp tin. Lực lượng CSGT cũng cần công bố công khai việc người dân được giám sát, ghi lại hành vi vi phạm khi thực thi công vụ. Cụ thể như việc khi xử lý vi phạm, phải làm sao để không còn chuyện nấp sau bụi tre bắt lỗi hay nấp trong cabin xe để lập biên bản”.

Ông Sơn lấy ví dụ về cách làm ở Tiền Giang, đó là vận động người dân tố giác hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và tố giác người thực thi làm sai.

Còn tại Lào Cai, Ban ATGT đã tham mưu để lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo khi thực thi công vụ phải theo tổ từ 3 người trở lên, lập biên bản ở bàn đặt tại nơi thoáng rộng có nhiều người quan sát được, cấm lập biên bản trong cabin xe.

Đồng thời, có thể mời cán bộ mặt trận tổ quốc địa phương, tổ dân phố cùng tham gia giám sát việc xử lý vi phạm. “Điều này vừa để minh bạch việc xử lý, vừa tuyên truyền, răn đe đối với người vi phạm để cộng đồng cùng được biết” – ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan có cán bộ thực thi công vụ vi phạm cũng phải bị xử lý.

Ông Sơn khẳng định: “Quan trọng nhất là lực lượng thực thi công vụ chấp pháp nghiêm minh, không nghiêm minh thì loạn hết. Khi anh đã làm nghiêm thì không ai dám làm sai cả”.  

Trước đó, trả lời báo chí, ông Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: “Công an TP Hà Nội cương quyết lập danh sách các trường hợp gọi điện can thiệp xử lý vi phạm gửi Bộ trưởng Bộ Công an hoặc cơ quan của người can thiệp, đồng thời ghi lại số điện thoại sau đó sẽ truy tên tuổi, đơn vị công tác”.