Dân Việt

Hoà Bình: Nhiều lực cản xây dựng nông thôn mới

27/08/2011 05:14 GMT+7
(Dân Việt) - Xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc) là xã điểm về xây dựng NTM của tỉnh Hòa Bình, nhưng đến nay mới chỉ đạt 6 tiêu chí.

Với mục tiêu đến năm 2015 cơ bản đạt tiêu chí xã NTM và hoàn thành các tiêu chí vào năm 2020, Hiền Lương đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách.

Trình độ cán bộ không đồng đều

So với các xã khác ở huyện Đà Bắc, Hiền Lương là xã nằm trong vùng lòng hồ sông Đà có vị trí địa lý tương đối thuận lợi. Giao thông thuận tiện cả đường bộ và đường thuỷ, trên địa bàn xã có tuyến đường nối trung tâm xã đến trung tâm huyện dài 7km đã được rải nhựa và nối đến TP.Hoà Bình. Cả xã có tổng diện tích tự nhiên gần 3.100ha, nhưng đất nông nghiệp chỉ chiếm có 111,5ha, còn lại chủ yếu là đất lâm nghiệp.

img
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà ở Hiền Lương cho hiệu quả cao.

Hiền Lương có 8 xóm với 472 hộ dân, 1.832 khẩu, trong đó 1.050 người trong độ tuổi lao động. Đây là những lợi thế để phát triển kinh tế xã hội và xây dựng NTM.

Tuy nhiên theo ông Xa Văn Chính- Chủ tịch UBND xã Hiền Lương: "Đến nay, Hiền Lương mới đạt được 6 tiêu chí về điện, bưu điện, giáo dục, văn hoá, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội. Khó khăn lớn nhất của xã hiện nay trong xây dựng NTM là trình độ của cán bộ các cấp chính quyền xã, xóm không đồng đều. Còn nhiều cán bộ có trình độ thấp, không đáp ứng được yêu cầu công việc".

Thêm vào đó, do địa bàn của xã nằm trên vùng lòng hồ có nhiều đồi núi dốc, nên việc quy hoạch, chỉnh trang các khu dân cư, các công trình xây dựng cơ bản, giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn còn gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng và kinh phí quy hoạch, đầu tư.

Ngoài ra, Hiền Lương còn có tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 44,8% và thu nhập 8,5 triệu đồng/người/năm - thấp hơn nhiều so với mức chung của toàn tỉnh.

Còn nhiều "lực cản"

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Hoà Bình, Hiền Lương đã thành lập được Ban quản lý xây dựng NTM cấp xã. Trên cơ sở đó, xã đã đánh giá được thực trạng các tiêu chí NTM và ký hợp đồng nguyên tắc với trung tâm quy hoạch và phát triển nông thôn 2 về tư vấn và lập quy hoạch tổng thể.

Ông Xa Văn Chính cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi đã tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong toàn xã về chủ trương, ý nghĩa thiết thực của chương trình xây dựng NTM. Do vậy, người dân đã tích cực tham gia ý kiến vào các kế hoạch xây dựng NTM, khơi dậy được nguồn lực sẵn có của địa phương". Hiện Hiền Lương cũng tiến hành lồng ghép các trương trình dự án như 472, 135 vào các hạng mục xây dựng NTM.

img Tôi nghĩ, để xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi nguồn vốn nhiều hơn nữa thì mới có thể triển khai được. img

Ông Nguyễn Anh Quân

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với Hiền Lương cũng như các xã ở vùng cao của tỉnh Hòa Bình không chỉ dừng lại ở việc tìm ra mô hình sản xuất hiệu quả cho bà con nông dân mà còn rất nhiều khó khăn, cản trở khác. Ông Nguyễn Anh Quân- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đơn cử về việc lập đề án, quy hoạch xây dựng NTM: "Trong lập quy hoạch, đội ngũ tư vấn rất nhiều, nhưng số người hiểu và làm được NTM không nhiều. Cán bộ xã đã không hiểu mà đơn vị tư vấn lại yếu và thiếu nữa thì chất lượng và tiến độ lập quy hoạch sẽ ảnh hưởng".

Cũng theo ông Quân, hiện nay, các xã đang rất lúng túng vì kinh phí 150 triệu đồng được cấp để làm quy hoạch là không đủ. Để đáp ứng được yêu cầu thì phải cần tới 500 - 600 triệu đồng/xã. Thêm vào đó, kinh phí để các xã triển khai thực hiện các tiêu chí NTM cũng rất lớn. "Với 11 xã điểm đã làm xong đề án, xã nào cũng cần trên 200 tỷ đồng. Nhưng vừa rồi, tỉnh Hòa Bình chỉ được T.Ư cấp 28 tỷ đồng.