Dân Việt

Cuộc đại chiến không khoan nhượng của mẹ vợ và mẹ đẻ

Hùng (HN) 08/01/2017 07:15 GMT+7
Sau đám cưới, vì không hài lòng nhà thông gia, bố mẹ tôi nhất định không chịu lên thành phố lần nào nữa.

Từ ngày yêu nhau, tôi đã biết tôi không xứng với nàng. Nàng là gái thành phố, bố mẹ nàng là chủ một doanh nghiệp làm ăn rất phát đạt, còn tôi chỉ là chàng trai xuất thân từ nông thôn, bố mẹ làm ruộng, quanh năm chân lấm tay bùn chỉ đủ ăn. Để nuôi tôi ăn học, bố mẹ phải đi vay nợ. Sau khi ra trường, trong khi tôi còn đang vật lộn với những công việc tập sự vất vả, lương ba cọc ba đồng còn phải chắt chiu trả nợ cho bố mẹ, thì nàng được bố mẹ hậu thuẫn mở công ty riêng, thu nhập cao hơn tôi hàng chục lần.

img

Hình minh họa

Biết mình không xứng, nhưng tôi không thể điều khiển được trái tim mình. Tôi yêu tính cách phóng khoáng, độc lập của nàng, thích khuôn mặt luôn tươi cười rạng rỡ, thích sự tinh nghịch, đáng yêu,...thích tất cả mọi thứ thuộc về nàng. Tình yêu chân thành của nàng giúp tôi xóa đi mặc cảm, tự ti trong lòng. Nhiều lúc bên nhau, tôi thường hỏi nàng, tại sao điều kiện của nàng tốt như thế lại chọn một chàng trai bình thường như tôi? Nàng bảo, vì thấy tôi thật thà, chăm chỉ, nàng thương!

Yêu nhau 2 năm, chúng tôi quyết định đưa nhau về gia đình hai bên để bàn chuyện cưới hỏi. Bố mẹ nàng biết chuyện thì ra sức phản đối. Mẹ nàng năm lần bảy lượt gọi điện thoại cho tôi, ngọt nhạt có, đe dọa có, mục đích cuối cùng là muốn tôi chia tay với nàng, nhưng tính cách nàng ương bướng, sống chết không muốn chia tay. Nàng còn dọn hẳn đến chung sống với tôi trong căn nhà trọ chật hẹp để phản đối bố mẹ. Được một thời gian thì nàng có bầu, bố mẹ nàng đành phải chấp nhận tôi.

Tuy nhiên, vì không hài lòng cậu con rể nhà quê nghèo “rớt mùng tơi” là tôi, chúng tôi kết hôn rồi mà bố mẹ vợ vẫn gây khó dễ đủ đường. Ngày bố mẹ tôi lên bàn chuyện cưới hỏi, bố mẹ vợ tiếp thông gia bằng thái độ khinh thường ra mặt. Bố mẹ tôi quen ở nông thôn, cả đời chưa lên đến thành phố lớn, hôm đó được đến khách sạn 4 sao, bố mẹ tôi làm gì cũng phải rón rén, chỉ sợ làm bẩn, làm hỏng đồ không có tiền đền. Vào bữa ăn, bố mẹ tôi lóng ngóng không biết bóc cua, mẹ nàng vỗ mặt luôn, “nhà quê nghèo kiết hủ lậu, đương nhiên là không biết ăn hải sản”. Hai đứa tôi nghe câu đó mà tái cả mặt. Thương con, bố mẹ tôi vẫn nhẫn nhịn cho qua. Bữa cơm hôm đó diễn ra trong không khí nặng nề.

Sau khi kết hôn, mẹ vợ tôi nói không thể để con cháu bà sống theo tôi trong cái nhà trọ ổ chuột như vậy, bắt nhà tôi chi ra 1 tỷ, nhà vợ cho thêm 1 tỷ để để mua nhà, nếu không bà đón mẹ con cô ấy về chăm sóc, còn tôi hàng tuần đến thăm vợ con là được. Vợ tôi gom góp tiền để dành, lén đưa cho tôi 400 triệu. Bố mẹ tôi thế chấp hết nhà cửa, ruộng vườn ở quê vay được thêm hơn 200 triệu để đưa cho tôi. Còn thiếu 400 triệu, tôi không xoay xở nổi. Bị mẹ vợ giục giã, tôi đành phải muối mặt nói thật. Mẹ vợ nói thiếu thì mẹ vợ cho vay, tính theo lãi ngân hàng, còn bắt tôi viết giấy nợ, mỗi tháng trả mười triệu, trả đến khi nào hết nợ thì thôi. Sau đó, vợ chồng tôi càng phải nỗ lực kiếm tiền, đều đặn hàng tháng gửi mẹ vợ cả vốn cả lãi, còn phải dành dụm tiền trả nợ ngân hàng bố mẹ tôi vay.

Sau đám cưới, vì không hài lòng nhà thông gia, bố mẹ tôi nhất định không chịu lên thành phố lần nào nữa. Kể cả khi vợ tôi đẻ, cũng chỉ có anh chị và các bác tôi ở quê ra thăm, bố mẹ tôi ngày nào cũng gọi điện vì mong cháu, nhưng sống chết không đi thăm, chỉ mong Tết vợ chồng tôi cho cháu về để được ôm cháu. Hai bên thông gia né tránh không muốn đụng mặt nhau.

Hai năm sau, vợ tôi có bầu bé thứ hai. Lần này cô ấy mang thai đôi, ốm nghén rất dữ dội, cơ thể nặng nề, mà con trai đầu của chúng tôi vẫn còn bé quá, tôi lại hay phải đi công tác, thuê người lạ vào nhà bố mẹ vợ bảo không yên tâm. Vì vậy, chúng tôi đành phải năn nỉ mẹ tôi lên giúp đỡ vợ chồng chúng tôi một thời gian. Ban đầu, mẹ tôi không chịu đi, sau nghe con dâu ốm quá, cháu trai không được chăm sóc chu đáo nên cũng ốm vặt liên miên. Mẹ tôi xót cháu đành đồng ý.

Từ ngày mẹ tôi lên ở cùng, nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, cơm dẻo canh ngọt, vợ chồng tôi chưa kịp thở phào thì đã phải đau đầu vì phải đứng giữa hai bà mẹ. Mẹ vợ tôi rất thích cháu ngoại, gần như ngày nào cũng qua chơi với cháu một lúc, cuối tuần thì đón cháu về bên nhà chơi. Tuy nhiên, mỗi lần mẹ vợ qua chơi, bà luôn kiếm cơ hội để nói mát mẻ vài câu. Tôi nghe mãi thành quen, thường lảng đi như không nghe thấy. Nhưng mẹ tôi nghèo khó cả đời nên lòng tự trọng rất cao, bà không thể chịu được những lời bóng gió của mẹ vợ tôi.

Ban đầu, mẹ tôi nghe mấy lời đó thì nhất định đòi về quê, chúng tôi phải nói hết lời mẹ tôi mới ở lại. Về sau, mẹ tôi cũng chẳng nhịn nữa, mẹ vợ tôi nói xéo câu nào, mẹ tôi cũng tìm cách đáp trả câu đó. Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại, không khí gia đình mỗi khi hai bà chạm mặt nhau luôn căng thẳng, chúng tôi ở giữa cảm thấy vô cùng khó xử. Còn vài tháng nữa vợ tôi mới sinh, chúng tôi không biết phải xử lý chuyện này thế nào mọi người ạ.