Dân Việt

Xót xa quả nhãn!

27/08/2011 05:50 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu hồi đầu mùa, phải mất 40.000-50.000 đồng mới mua được 1kg nhãn, thì tại thời điểm này chừng ấy tiền mua được cả 10kg. Lý do, cũng như mọi năm vào vụ thu hoạch chính, cung nhiều hơn cầu nên phải giảm giá.

Nhưng đó chỉ là nguyên nhân nhìn thấy được, còn về cái gốc của vấn đề thì phải nói đến sự yếu kém của công nghệ chế biến, cũng như chiến lược sản xuất, tiêu thụ hoa quả của nước ta.

img
 

10 năm trước đây, khi Trung Quốc còn thu mua long nhãn của nước ta với số lượng lớn, có thể nói cây nhãn thời đó là cây "quý tộc", nên đã có dạo rộ lên phong trào nhà nhà trồng nhãn, người người buôn nhãn. Nhãn hồi đó quý đến nỗi, vào vụ thu hoạch nhãn, người ta còn giăng cả những tấm lưới lớn lên cây nhãn để ngăn dơi phá hoại, còn đám trẻ con thì chỉ được ăn những quả nhãn rơi vãi.

Song đùng một cái, từ những năm 2000 trở đi, Trung Quốc đã "cắt" việc mua long nhãn của Việt Nam và cũng kể từ đó, nhãn đã mất giá thảm hại. Bây giờ nhãn chủ yếu được dùng để ăn tươi là chính và do cùng một thời điểm có quá nhiều nhãn được thu hoạch, nên số phận của nhãn lại lặp lại như câu chuyện của vải thiều.

Câu chuyện về nhãn đã đặt ra cho chúng ta nhiều điều phải bàn. Trước tiên, đó là công nghệ chế biến, ở Việt Nam hiện có rất nhiều viện nghiên cứu về nông nghiệp, nhưng không nhà khoa học, viện nào nghiên cứu được phải chế biến nhãn để làm gì, phải chế biến như thế nào, điều đó dẫn đến ngoài việc "ăn tươi" nhãn ra, không còn biện pháp nào khác để tiêu thụ.

Sau nữa là kỹ thuật trồng nhãn, một thực tế ai cũng biết là nếu trồng nhãn rải vụ, thì thời gian thu hoạch nhãn sẽ kéo dài hơn, việc "ăn tươi" cũng được rải ra để tiêu thụ dần dần. Do không trồng được nhãn rải vụ, nên kết quả lúc thiếu thì phải bỏ hàng đống tiền ra để nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc với giá cao, còn khi thừa ế, thì đành bỏ phí.

Một vấn đề nữa là công nghệ bảo quản, nếu như các loại quả ngon được nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Thái Lan về như táo, nho, xoài… phần lớn được nông dân nước họ thu hoạch cách đó đến cả nửa năm, nhưng khi nhập về nước ta mẫu mã vẫn rất đẹp và đảm bảo chất lượng. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cũng cần coi trọng vấn đề này, thông qua việc thúc đẩy công nghệ chế biến, bảo quản nhãn, kết hợp với việc xúc tiến, quảng bá thương hiệu nhãn Việt Nam để xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới.

Những vấn đề như trên, thực ra ai cũng biết, nhưng không hiểu sao các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn cứ mãi… làm ngơ.