Thưa Bộ trưởng, kết quả giám sát chất lượng thuốc trong năm 2016 về số mẫu được lấy, tỷ lệ đạt/không đạt… có gì khác so với những năm gần đây?
- Về kết quả kiểm tra chất lượng thuốc trong năm 2016, do triển khai tập trung các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc, thời gian qua, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã giảm rõ rệt. Tỷ lệ thuốc giả từ 7% năm 1990 giảm xuống còn dưới 0,1%; tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở mức dưới 3% (năm 2015 là 2,00%).
Hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy hơn 30.000 (năm 2015: 38.627) mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Việc lấy mẫu thực hiện theo kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm để phát hiện các thuốc có nguy cơ không đạt chất lượng cao. Trên cơ sở kết quả lấy mẫu, giám sát chất lượng thuốc của hệ thống kiểm nghiệm, năm 2016 Cục Quản lý dược đã có văn bản thu hồi 30 lô thuốc (thấp hơn so với 38 lô thuốc năm 2015).
Bộ Y tế sẽ tăng cường giám sát chất lượng thuốc trong thời gian tới. (ảnh minh họa). I.T
Về kết quả kiểm tra chất lượng thuốc trong năm 2016, do triển khai tập trung các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc, thời gian qua, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã giảm rõ rệt”. |
Việc thu hồi thuốc không đạt chất lượng được thực hiện như thế nào?
- Khi phát hiện thuốc không đảm bảo chất lượng, Cục Quản lý dược ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc trong phạm vi toàn quốc. Thông báo được gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các ngành và cơ sở sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trong phạm vi quản lý đối với những thuốc do cơ quan kiểm tra chất lượng thuốc ở địa phương/ngành kiểm tra phát hiện thuốc vi phạm và ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên địa bàn để thực hiện thông báo thu hồi của Cục Quản lý dược, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và báo cáo về Cục Quản lý dược. Bên cạnh đó, thực hiện việc giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện việc thu hồi thuốc; xử lý các trường hợp vi phạm về thu hồi thuốc theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu là đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thu hồi, xử lý thuốc thu hồi. Các cơ sở kinh doanh, sử dụng không được tiếp tục phân phối sử dụng mà phải trả lại cơ sở sản xuất,nhập khẩu thuốc.
Bộ Y tế đã có giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng thuốc, thưa Bộ trưởng?
- Bộ Y tế phối hợp công tác với các cơ quan liên quan, công an, hải quan, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 Trung ương... thành lập Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế nhằm tăng cường các hoạt động hậu kiểm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị định Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Dược 2016; trong đó quy định chi tiết các nội dung cụ thể về điều kiện của các cơ sở sản xuất thuốc, việc kiểm tra đối với cơ sở sản xuất nước ngoài... trách nhiệm của các cơ quan quản lý và của doanh nghiệp. Ngoài ra, tham mưu, đề xuất về việc phân cấp quản lý nhà nước để phát huy khả năng và tính chủ động của y tế địa phương; kết hợp với việc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hỗ trợ nhân lực và tài chính cho cơ quan quản lý dược, thanh tra, kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của y tế địa phương.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!