Chiều 6.1, trao đổi với Dân Việt, ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết như trên. Cũng theo ông Cường, qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn huyện cũng đang còn vài chục hộ thiếu gạo trong dịp Tết Nguyên đán này. Tuy nhiên, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trong huyện và tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp… chung tay lo tết cho người nghèo.
“Từ cuối năm 2014, huyện đã tự cân đối được nguồn lương thực nên không xin gạo cứu đói vào dịp Tết Nguyên đán và thời điểm giáp hạt”- ông Cường cho hay.
Người dân xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) nhận gạo cứu đói trong đợt sông Bưởi bị ô nhiễm nguồn nước hồi tháng 5.2016.
Cũng như huyện Mường Lát, các huyện vùng cao có đường biên giới với nước bạn Lào, gồm: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh đều không xin gạo cứu đói cho dân vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và thời điểm giáp hạt.
Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn chia sẻ: “Huyện vẫn có khoảng 30 hộ dân cần hỗ trợ gạo. Tuy nhiên, huyện tự cân đối được nguồn lương thực, nên không phải xin tỉnh hỗ trợ gạo cho dân”.
Tại huyện Quan Hóa, ông Trương Nho Tự - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Dù huyện vẫn còn một số hộ dân cần hỗ trợ gạo trong dịp Tết này (với số lượng khoảng hơn 10 tấn) nhưng huyện thống nhất không làm tờ trình xin gạo cứu đói cho dân, mà tự cân đối nguồn lương thực của địa phương để lo Tết cho nhân dân.
Lý giải vì sao là huyện vùng cao, biên giới thuộc diện 30a, nhưng lại không xin gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán, ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát chia sẻ: Huyện đã được Chính phủ cấp gạo trồng rừng với mức 10kg/người/tháng và gạo của Chính phủ hỗ trợ cho đồng bào biên giới, với mức 15kg/người/tháng.
Trước đó, ngày 5.1, trao đổi với báo chí về việc cứu trợ gạo dịp Tết 2017, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết đến nay đã có 15 tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Nguyên đán và giáp hạt với lượng gạo xin cấp là 17.000 tấn. Các tỉnh gửi báo cáo về đến đâu Bộ trình Thủ tướng đến đó và một số địa phương đã nhận được quyết định cấp gạo từ Chính phủ.
Trong năm 2016, Chính phủ xuất 67.000 tấn gạo để vừa lo Tết Nguyên đán Bính Thân, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sự cố môi trường miền Trung. Lượng gạo cấp phát gấp 3 lần những năm trước.
Tuy vậy, cũng có những tỉnh như Quảng Nam nằm trong vùng bị thiệt hại nặng do thiên tai nhưng vẫn chủ động bằng nguồn ngân sách, trích quỹ bảo đảm xã hội ra để lo cho người dân chứ không xin T.Ư. Hay như Sơn La dù thiếu đói nhưng thấy không cần thiết xin thì không xin.
“Trung ương khuyến khích các địa phương tăng trưởng kinh tế, tự lực chăm lo cho người dân”, Thứ trưởng Đàm cho biết.