Và nếu cầu thủ V.League nổi hứng đình công trong thời gian tới thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên...
Vô địch cũng… lo
Từ khá lâu rồi, chuyện cầu thủ V.League ra sân phải nhìn… tiền thưởng rồi mới đá đã là chuyện quá quen thuộc. Đương nhiên, để chiều quân mà cũng được tiếng chịu chơi, không ít ông bầu thông qua những kênh khác nhau cứ hứa thưởng tiền tỷ cho những trận đấu quan trọng. Đến khi đội nhà thắng thì nhiều ông bầu hoặc lảng đi công tác, hoặc… khất nợ, thậm chí sẵn sàng ậm ừ lời nói gió bay.
Nam Định (áo sẫm) đình công bằng cách đá như... dạo mát. |
Cái khó là thông tin tiền thưởng đôi khi chẳng có lãnh đạo đội bóng nào công khai nói ra, mà nhiều khi xuất phát từ… vỉa hè. Cũng có thể do giới cầu thủ tự “phun” ra để làm giá.
“Các con nghe được thông tin ở tờ báo nào thì đến tòa soạn của họ mà nhận thưởng nhé” - ông Hồ Văn Chiêm - Giám đốc điều hành SLNA từng nói vậy khi cầu thủ hỏi về khoản tiền thưởng bạc tỷ sau những chiến thắng quan trọng cuối mùa vừa qua. Ngay cả con số 13-14 tỷ đồng tiền thưởng cho danh hiệu vô địch V.League 2011 của SLNA cũng bị ông Chiêm phủ nhận.
Hiện SLNA mới nhận được trên 4 tỷ đồng tiền thưởng (1 tỷ đồng của UBND tỉnh, 3 tỷ đồng của BTC giải, 60-70 triệu đồng một số doanh nghiệp).
Có lẽ đây là lúc lãnh đạo Ngân hàng TMCP Bắc Á đang lo ngay ngáy. Người hâm mộ vui mừng nếu SLNA thắng Navibank.SG trong trận chung kết Cúp Quốc gia chiều nay (27.8) thì rõ rồi. Nhưng lấy đâu tiền thưởng cho xứng với cú đúp của thầy trò HLV Hữu Thắng thì cũng… méo mặt. Làm không khéo, sang năm dễ mất cả chì lẫn chài!
Quay cuồng bởi vì tiền
Nhưng dù gì SLNA dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng là một gia đình. Đó cũng là lý do mà đội bóng xứ Nghệ vẫn “nghiến răng” mà đá được, chứ chưa đến nỗi đình công đòi chế độ lương, không lên tàu vào Bình Định đúng như lịch trình theo cách làm của chính họ ở V.League 2006 (trận này Bình Định thắng dễ SLNA 3-0).
Nhưng ở nhiều đội bóng khác, những làn “sóng ngầm” đang xuất hiện ngày càng nhiều gắn với chuyện “dải ngân” muộn. Phía sau việc M.Nam Định rớt xuống hạng Nhì có nguyên nhân từ chuyện thiếu tiền. “Không đến 3 tháng, nhưng 2 tháng, 29 ngày họ mới trả lương thì làm sao bọn em chịu được” - cầu thủ trẻ Hoàng Danh Ngọc, người chấp nhận bồi thường 2,4 tỷ đồng cho M.Nam Định, và bị treo giò 18 tháng vì đơn phương “xé rào” tới V.Ninh Bình, cho biết.
Xung quanh câu chuyện của Danh Ngọc, cầu thủ sai và đã bị xử. Nhưng không thấy ai chỉ ra những cái sai của M.Nam Định, cụ thể là việc mập mờ trong những bản hợp đồng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cầu thủ.
Sự thật là đằng sau những bản hợp đồng “bom tấn” ở V.League thời gian qua, dư luận cứ sôi lên khi cầu thủ này nhận 7 tỷ, cầu thủ kia nhận 10 tỷ đồng lót tay. Nhưng thực tế số tiền đến tay cầu thủ là bao nhiêu vẫn luôn nằm trong vùng bí mật.
Nóng hổi nhất là việc cựu tuyển thủ Quốc Vượng bị XT.Hà Tĩnh “xù đẹp” 2,5 tỷ đồng/5 tỷ đồng mà anh phải được nhận sau khi về đội năm 2010. Và trong tương lai gần, khi những bản “hợp đồng đen” cứ xuất hiện dày đặc, thì có lẽ cầu thủ VN chỉ còn lo đi… học luật để kiện.
Còn đình công ư? Cầu thủ V.League đã làm suốt nhiều năm qua rồi đấy. Nhưng nếu cứ dọa (và đã làm) theo cách ở nhà chơi (như cầu thủ La Liga, Serie A) thì không ăn thua bởi ở Việt Nam làm gì có hiệp hội cầu thủ đứng ra bênh vực.
Thôi thì cứ ra sân rồi “nằm”, có khi lại vẹn cả đôi đường. Như việc M.Nam Định rớt xuống hạng Nhì nhưng nửa đội mừng thầm vì sắp được tới những đội bóng mới. Một số không có lương, thưởng nhưng lại có xe hơi hạng sang lượn phố, thật là tài(?!).
Lê Đức