Đó là ý kiến của các chuyên gia xung quanh chỉ thị về đảm bảo an toàn giao thông vừa được Chính phủ ban hành.
Giải pháp hạn chế và dần có lộ trình cấm xe gắn máy tại các đô thị lớn được đưa ra trong Nghị quyết số 88 (Về một số giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông) được Chính phủ ban hành hôm 24.8.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai hạn chế xe máy tại một số tuyến đường và một số giờ nhất định. Đặc biệt, Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì soạn thảo đề án hạn chế và lộ trình cấm mô tô, xe gắn máy tại các thành phố lớn, trình Chính phủ vào cuối năm 2012.
Để hạn chế xe máy trên đường phố Hà Nội, cần thiết phải có nhiều loại hình phương tiện công cộng trong thời gian tới. |
Hợp lý nhưng nhiều lo ngại
TS Khuất Việt Hùng - Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT đồng tình chủ trương kiểm soát xe gắn máy và các phương tiện cá nhân khác để cải thiện tình hình giao thông đang rất phức tạp tại các đô thị hiện nay.
Tuy nhiên, TS Hùng phân tích rằng, nếu xem xe máy là thủ phạm gây ra tắc đường ở các đô thị là không “đánh trúng” đối tượng vì thực tế xe máy không chiếm diện tích bằng các phương tiện cá nhân khác như ôtô con, hay taxi.
Nếu đặt mục tiêu giảm tai nạn giao thông tại các thành phố bằng việc hạn chế hay cấm xe máy cũng không phải là lý do thuyết phục vì xe máy lưu thông trong thành phố hiện nay với tốc độ trung bình từ 20-30 km/giờ nên ít xảy ra tai nạn, nếu có tai nạn cũng ít vụ thực sự nghiêm trọng.
“Xe máy đang là phương tiện chiếm số đông, hiệu quả, tiết kiệm hơn so với nhiều phương tiện khác tại đô thị hiện nay. Nó không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện kiếm sống của một bộ phận lớn người dân. Đây là vấn đề xã hội, nếu làm không khéo sẽ gây bức xúc” - TS Hùng nói. Ngoài việc hạn chế xe máy, TS Hùng cho rằng cũng phải kiểm soát chặt chẽ sự phát triển ôtô cá nhân.
Là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng giải pháp này là rất nhạy cảm, dễ động chạm. Ông Hùng cho biết, hiện cả nước hiện có hơn 30 triệu xe máy, nếu hạn chế hoặc thay thế mà không nhanh chóng phát triển các phương tiện công cộng sẽ không nhận được sự đồng tình của rất nhiều người dân.
Hơn nữa, ông Hùng cho rằng, nếu hạn chế xe máy mà không cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay thì đến một lúc, ôtô cá nhân bùng phát thì cũng không đủ đường cho ôtô đi lại.
Sẽ làm có lộ trình
Một lãnh đạo Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, nơi chấp bút soạn thảo Nghị quyết 88 cũng thừa nhận cấm môtô, xe máy tại các đô thị lớn là một vấn đề rất khó. Nếu không có sự đồng thuận của người dân, của các bộ, ngành và các tổ chức chính trị, xã hội sẽ rất khó thực hiện.
10 năm nữa vẫn “sống chung” với xe máy
Trả lời báo chí, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Trong 10 năm nữa, chúng ta vẫn sống chung với xe máy. Giao thông tại Việt Nam là hỗn hợp, trong đó xe máy chiếm số lượng lớn nhất. Chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ về mặt hạ tầng và phương tiện. Trong đó, các đường cao tốc mới phải thiết kế xây dựng đường gom cho xe máy; còn các hệ thống giao thông hiện tại chưa có điều kiện nâng cấp, xây mới thì khi tổ chức giao thông phải làm được làn đường dành riêng cho xe máy”.
Theo vị này, một số cơ sở để đưa ra giải pháp này là ở đô thị hiện nay, người dân đang quá lạm dụng xe máy, gây áp lực lớn cho hệ thống giao thông. Chẳng hạn, từ nhà ra chợ, hay đi thăm bạn bè chỉ 500m cũng đi xe máy. Hơn nữa, trong vài năm qua, TP.Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm cấm xe máy tại một số tuyến đường, tạo ra hiệu quả tốt và dư luận cũng đồng tình.
Vị lãnh đạo này nói để thực hiện cấm xe máy phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như trả lại vỉa hè cho người đi bộ, phát triển hệ thống giao thông công cộng. Về việc giải quyết việc đi lại cho những hộ nông dân từ ngoại thành vào thành phố buôn bán bằng xe máy thế nào, vị này cho biết chắc chắn sẽ có lộ trình, và phương án giải quyết vấn đề này. “Phương thức buôn bán nhỏ lẻ, bằng phương tiện xe máy của nông dân trong tương lai sẽ thay đổi bằng việc buôn bán lớn, vận chuyển bằng xe tải nên cũng sẽ phù hợp với lộ trình hạn chế xe máy” – ông nói.
Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ thành lập một ban chỉ đạo để khảo sát, đánh giá và lên phương án chi tiết. Trong đó, việc triển khai sẽ có lộ trình, có thể từ các tuyến phố trung tâm, sau đó mới mở rộng ra các tuyến phố phía ngoài; cũng có thể bắt đầu bằng việc hạn chế về thời gian, giờ này được đi lại bằng xe máy, giờ kia không được đi...
Sỹ Lực