Rồng châu Âu và rồng châu Á
Rồng châu Á không có cánh nhưng vẫn biết bay.
Rồng là loài vật hư cấu được phát triển và xuất hiện trong văn hóa nhiều quốc gia châu Á cũng như châu Âu. Theo tác giả Ingersoll Ernest trong cuốn “Hình tượng rồng và văn hóa rồng”, tại Trung Quốc, sinh vật này được xem là biểu tượng của vua (thiên tử) với sức mạnh phi thường như hô phong hoán vũ, lấp trời vá bể.
Trong quan niệm của châu Á, rồng thường có mình dài như rắn, 4 chân và biết bay dù không có cánh. Lí giải điều này, một nguyên nhân cơ bản được đưa ra là bởi rồng đại diện cho thế lực siêu nhiên, có năng lực phi phàm, không cần dùng cánh vẫn bay được. Rồng châu Á có thể phun lửa hoặc hút nước làm mưa vô cùng đa dạng.
Rồng châu Âu với hai cánh giúp chúng bay lên trời.
Rồng trong quan niệm của người Trung Quốc thể hiện sự trường sinh bất tử, sức mạnh vô song và vượt qua mọi chướng ngại.
Trái lại, rồng châu Âu mang hơi hướng của một loài sinh vật hung dữ với toàn thân phủ vảy như rắn, miệng luôn phun lửa và đôi cánh như cánh dơi để bay lên trời. Trong truyện cổ hay phim ảnh, rồng Tây có vẻ bay khá "vất vả" vì phải tuân theo quy luật vật lý. Điều này dường như phản ánh tư duy thiên về logic của người phương Tây.
Rồng phương Tây thường được cho là đại diện cho 4 nguyên tố tự nhiên là Đất, Nước, Lửa, Gió nên cũng từ đó sinh ra 4 loại rồng khác nhau. Mỗi loài có sức mạnh riêng và làm chủ khu vực mà nó cư trú. Có thể chúng xuất phát từ những con vật trong thực tế rồi được người ta tưởng tượng, tô vẽ thêm. Chúng cũng có những điểm yếu như nhiều sinh vật khác.
Hình tượng rồng trong phim "Trò chơi vương quyền".
Rồng phương Tây thường là “mồi” của dũng sĩ và bị xem là mục tiêu để thử thách lòng dũng cảm. Nhiều truyền thuyết phương Tây luôn có phần dũng sĩ diệt rồng, cứu công chúa. Nhiều truyện cổ khẳng định tắm máu rồng sẽ giúp trường sinh bất lão hoặc phục hồi vết thương.
Rồng trong văn hóa, tín ngưỡng
Bức tranh "Cửu long" của họa sĩ Trần Dong, vẽ năm 1244.
Hoàng đế Trung Quốc sử dụng hình ảnh rồng làm đại diện cho quyền lực của mình và tất cả mọi thứ gắn với vua đều phải có từ “long”. Chẳng hạn, áo của vua gọi là “long bào”, giường vua nằm gọi là “long sàng”…
Học giả Dikötter trong cuốn “Sự khác biệt cơ bản giữa Trung Quốc và Nhật Bản” viết ông tổ nhà Hán là Lưu Bang khẳng định mình được sinh ra sau khi mẹ ruột nằm mơ thấy một con rồng. Đời nhà Đường, hoàng đế luôn mặc áo in hình rồng và chỉ có quan lại cấp cao mới được mặc loại trang phục này, theo chú giải của Bảo tàng Quốc gia Kyoto, Nhật Bản.
Đời nhà Nguyên, những con rồng 2 sừng và có 5 móng vuốt ở 4 chân chỉ dành riêng cho thiên tử. Rồng 4 móng vuốt dành cho hoàng tử và các bậc quý tộc, vương giả khác. Tới thời nhà Minh và Tần, rồng 5 ngón cũng bị giới hạn và chỉ được phép xuất hiện trong các sản phẩm của vua chúa.
Học giả Sleeboom, Margaret khẳng định vào đời nhà Thanh, cờ quốc gia thậm chí in hình một con rồng màu xanh cho tới khi triều đại này sụp đổ.
Minh Thái tổ và bộ trang phục hình rồng.
Người Trung Quốc thường tự nhận mình là “Dòng dõi rồng” khi một trào lưu xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Á thập niên 1970. Mỗi nước đều cố gắng chọn một biểu tượng làm “ông tổ” của mình, ví dụ như Mông Cổ coi tổ tiên họ là chó sói.
Rồng trong bát thời nhà Thanh.
Trong ngôn ngữ đời thường, những cá nhân có thành tích nổi bật cũng được so sánh với rồng. Ngược lại, những người kém cỏi, không có thành tựu hay bị chỉ trích là giun. Thành ngữ Trung Quốc có câu “vọng từ thành long”, với ước vọng con cái sau này sẽ hóa rồng và đạt nhiều vinh hoa phú quý.
Hình rồng đặt trên mộ để giúp người chết có phương tiện bay lên thiên đàng.
Hiện nay, “năm rồng” vẫn được xem là một thời gian tốt nhất trong 12 con giáp để sinh con, đẻ cái với người Trung Quốc. Con cái sinh ra vào năm rồng được cho là sẽ khỏe mạnh, tài năng.