Dân Việt

Kẹo "bẩn" Trung Quốc ngập cổng trường học

28/08/2011 07:40 GMT+7
Khảo sát một vòng quanh các trường học, chúng tôi không khỏi giật mình vì thị trường đang có rất nhiều loại bánh kẹo lạ được bày bán cho trẻ em với giá siêu rẻ, chỉ một vài ngàn đồng/bịch.

Chị Mai, có con đang học lớp 2 tại một trường ở quận 3- TPHCM, cho biết con trai chị ngày nào đi học về cũng khoe đồ chơi mới: khi thì cây đao, khi thì cái còi xe, con pikachu (nhân vật hoạt hình)... Hỏi kỹ con, chị tá hỏa khi biết những loại đồ chơi đó là “chiến lợi phẩm” sau khi cháu đã ăn hết những viên kẹo đựng bên trong. Con trai chị còn khoe: “Bạn con, đứa nào cũng thích mua loại kẹo đựng trong đồ chơi như thế”.

Giá “bèo” đến khó tin

Khảo sát một vòng quanh các trường học trên địa bàn TPHCM và chợ đầu mối Bình Tây, chúng tôi không khỏi giật mình vì thị trường đang có rất nhiều loại bánh kẹo lạ được bày bán cho trẻ em với giá siêu rẻ, chỉ một vài ngàn đồng/bịch.

Vào khoảng 16 giờ, các xe đẩy, gánh hàng rong và sạp hàng dã chiến bán đủ loại bánh kẹo, đồ chơi, bánh tráng, cá viên chiên… bắt đầu xuất hiện tại các cổng trường chờ giờ tan học. Khu vực gần Trường Tiểu học Tuy Lý Vương (quận 8), các xe hàng rong và quầy tạp hóa ở gần đó bán rất nhiều sô-cô-la, ô mai, kẹo dẻo, kẹo nổ (nổ lụp bụp trong miệng khi ăn), mì vụn (mì gói bóp vụn cho vào từng gói nhỏ) với giá 1.000 đồng – 2.000 đồng/bịch hoặc gói.

img
Bánh kẹo lạ bán gần cổng Trường Lam Sơn, quận 6-TPHCM. Ảnh: Xuân Thảo

Không chỉ có sô-cô-la dạng viên xanh, đỏ, tím, vàng thông thường mà có cả các loại sô-cô-la đá trông giống như những viên sỏi nhỏ sần sùi… Hầu hết các loại bánh kẹo này đều có bao bì toàn chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt cũng như ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Đến một vài trường tiểu học khác trên địa bàn các quận: 3, 5, 6, 11…, chúng tôi cũng bắt gặp các loại bánh kẹo này bày bán la liệt trên những gánh hàng rong, tiệm tạp hóa gần trường. Thậm chí, vào căng-tin một trường tiểu học khá lớn trên địa bàn quận 3, chúng tôi được người bán giới thiệu đủ các loại kẹo này và nước trái cây ướp lạnh giá 5.000 đồng/chai.

Chúng tôi thắc mắc vì sao kẹo bán cho trẻ em mà in toàn chữ Trung Quốc, liệu có an toàn không thì chị bán hàng nói chắc: Hàng lấy ngoài Chợ Lớn, đã chọn lọc kỹ rồi chứ ngoài chợ còn nhiều loại nhìn “ghê” hơn nữa. Khi chúng tôi hỏi làm sao biết bảo đảm chất lượng, không phải hàng độc hại thì chị này ấm ớ: “Mối hàng nói như thế và lâu nay học sinh ăn hoài mà có thấy bị gì đâu”...

Độc hại kép

Tại khu vực bánh kẹo ở chợ Bình Tây, không khó để chúng tôi tìm thấy các loại bánh kẹo lạ. Không chỉ là những bịch sô- cô-la, kẹo vitamin đựng trong các loại đồ chơi bằng nhựa (đao, kiếm, súng, cá vàng, cây bút…), các loại kẹo dẻo, kẹo trái cây, mà còn có cả cá xiên que, thịt đà điểu nướng, khô hổ… bao bì in toàn chữ Trung Quốc.

Tất cả mặt hàng này đều có giá rất rẻ, chỉ khoảng 22.000 đồng – 24.000 đồng/bịch lớn (mỗi bịch có khoảng 20 – 30 sản phẩm). Cầm thử một bịch thịt đà điểu xiên que, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy từng miếng “thịt” được cắt khúc nhỏ như lóng tay tẩm ướp gia vị rất bắt mắt, xiên đều trên những que tre. “Loại này đang bán chạy lắm.

Một bịch lớn 24.000 đồng có khoảng 30 que. Mua về cứ vô bịch riêng từng xiên bán giá 1.500 đồng/que đã có lời khẳm. Mấy người bán hàng rong, căng-tin trường học toàn tới đây lấy hàng” – chị bán hàng tư vấn...

Xem qua tất cả loại bánh kẹo, nước uống… chúng tôi mua ở một số cổng trường, chợ Bình Tây, bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, nhận xét: Chỉ bằng cảm quan cũng có thể nhận biết đây là sản phẩm kém chất lượng. Các loại kẹo này có thể sử dụng những chất độn đơn giản như bột mì trộn với phụ gia công nghiệp tạo mùi, màu, vị… nên có màu sắc bắt mắt và giá siêu rẻ như vậy.

Các loại phẩm màu phụ gia dùng trong công nghiệp nếu dùng chế biến thức ăn, khi vào cơ thể người sẽ gây độc. Đối với loại bánh kẹo đựng trong đồ chơi, khi trẻ ăn dễ bị nhiễm độc kép do bánh kẹo có phẩm màu phụ gia độc hại lại được chứa đựng trong sản phẩm nhựa không an toàn. Với trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu thì tác động của các chất độc hại này sẽ nhanh và mạnh hơn.

Về lâu dài có thể gây nhiều biến chứng liên quan đến thần kinh, rối loạn chuyển hóa, dị ứng… thậm chí ung thư.

Dặn trẻ không mua đồ ăn lạ

Bác sĩ Trần Văn Ký khuyến cáo các bậc phụ huynh phải biết cách bảo vệ con em mình thông qua việc giáo dục, nhắc nhở trẻ không mua bất cứ loại bánh kẹo, đồ chơi lạ nào bán ở cổng hoặc khu vực xung quanh trường. Nếu căng-tin của một số trường học cũng bán các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, không nhãn mác xuất xứ… thì nhà trường phải kiểm soát, chấn chỉnh. Ngoài ra, các trường học phải phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan y tế để chủ động quản lý, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo NLĐ