Dân Việt

Giữ bí mật đề thi THPT quốc gia: Khác nào "bịt mắt" thầy, trò?

Tùng Anh 11/01/2017 10:10 GMT+7
Thông tin về việc Bộ GD ĐT sẽ không công bố đề thi và đáp án trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều người tỏ ý hoài nghi về tính minh bạch và chất lượng của bộ đề thi, đáp án này?

Em Trần Thu Thảo - học sinh lớp 11 trường THPT Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ - Thái Bình) cho biết, chưa phải thi năm nay nhưng hầu hết các bạn đều rất lo lắng với những thay đổi của kỳ thi này, nhất là việc tất cả các môn sẽ được thi trắc nghiệm và mỗi học sinh một mã đề khác nhau.

"Đề thi của các năm trước thường giúp ích rất nhiều cho học sinh các khóa sau trong việc tham khảo, định hướng để ôn tập. Nếu đề và đáp án không được công khai thì chắng khác nào chúng em phải học mò, ôn tập mò vậy. Nhất là đây lại là những năm đầu thực hiện đổi mới, đã khó khăn, càng khó khăn", em Thảo cho biết.

Thầy Nguyễn Văn Bách  - giáo viên THPT tại Tp Vinh (Nghệ An) cũng cho rằng, việc giữ bí mật đề thi và đáp án sẽ gây bất lợi cho thầy, trò trong việc ôn tập, định hướng thi. "Đề thi các năm trước thường là nguồn tài liệu vô giá để giúp học sinh tham khảo, cọ sát với việc thi cử. Bộ GD ĐT có công bố đề thi mẫu, đáp án mẫu, tuy vậy sự phân bổ kiến thức, độ khó như thế nào vẫn rất cần được kiểm chứng qua thực tế làm bài" - thầy Bách nói.

Hơn nữa, theo thầy Bách,  học sinh sau khi thi về thường so sánh đáp án xem mình đúng, sai thế nào, liệu được bao nhiêu điểm... Nếu điều đó cũng không thực hiện được chắc chắn sẽ  gây tâm lý hồi hộp, lo lắng, hoang mang không cần thiết cho các em. "Rồi các em sẽ lấy gì làm căn cứ để phúc khảo nếu hoài nghi về điểm thi. Làm thế chẳng khác nào "bịt mắt" thầy, trò" - thầy Bách nói.

img

Học sinh hoang mang vì bí mật đề thi thì lấy gì tham khảo để ôn tập. Ảnh minh họa IT

Một giáo viên khác thì cho rằng, Bộ GD ĐT không thể lấy "nguyên mẫu" cách làm trong kỳ thi đáng giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để áp dụng vào kỳ thi THPT quốc gia được. Bởi lẽ, quy mô của kỳ thi đánh giá năng lực nhỏ hơn, học sinh được thực hiện bài trắc nghiệm trên máy tính, làm xong là biết kết quả ngay lập tức do máy chấm điểm. Kỳ thi quốc gia cũng trắc nghiệm nhưng lại làm trên giấy với hàng triệu học sinh, kết quả thi phải chờ một thời gian dài mới biết.

"Lấy gì để đảm bảo là kết quả đó không bị can thiệp, chỉnh sửa? Lấy gì để đảm bảo là hàng ngàn câu hỏi trong đề thi, đáp án đều chuẩn chỉnh? Lấy gì để học sinh khiếu kiện, phúc khảo khi có thắc mắc?" - giáo viên này đặt câu hỏi.

Bày tỏ quan điểm trên báo chí, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, lý do Bộ GD ĐT giữ bí mật đề thi và đáp án để sửa dụng cho các năm sau là không hợp lý. Ông Lâm cho rằng, với một kỳ thi quốc gia, ngân hàng đề thi phải có số lượng câu hỏi rất lớn, việc trùng lập số câu hỏi giữa hai năm liên tiếp sẽ có xác suất rất nhỏ không ảnh hưởng đến chất lượng bài thi và tính công bằng của kết quả thi.

Theo ông Lâm, một kỳ thi lớn như THPT quốc gia rất cần có kênh để giám sát, đề thi và đáp án nhiều năm nay được công khai đã làm tốt nhiệm vụ này. Hơn nữa, TS Lâm cũng cho rằng, nhiều kỳ thi trước đã từng xảy ra việc sai sót kiến thức, sai đáp án, chấm thi lỏng lẻo, không khớp giữa các hội đồng thi. Nếu có sai sót, việc giữ bí mật đề và đáp án sau thi không thể đảm bảo công bằng mà thậm chí có thể khiến học sinh thiệt thòi.

Trước đó, trả lời báo chí về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga cho biết, chỉ duy nhất môn Ngữ văn được công bố đáp án sau khi thí sinh thi xong như mọi năm, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ không công bố đáp án. Theo lý giải của ông Ga: “Các câu hỏi thi năm nay có thể tiếp tục còn được dùng cho kỳ thi các năm kế tiếp, nên không công bố để đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh. Ngoài ra, đề thi chuẩn hóa đã được thử nghiệm nhiều lần trên chính đối tượng học sinh lớp 12 nên đáp án đã được kiểm nghiệm tính chính xác"