Dân Việt

Người đứng đầu Tổng cục dân số trần tình về nới lỏng sinh con

Diệu Linh 11/01/2017 15:20 GMT+7
Trước thông tin cho rằng, Bộ Y tế đang khuyến khích người dân "sinh thoải mái", ông Nguyễn Văn Tân – quyền Tổng cục trưởng Tổng cục dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế), Bộ Y tế chỉ đề xuất chính sách “nới lỏng chính sách kiểm soát để giữ mức sinh thay thế”.

Theo ông Tân, mức sinh thay thế nói nôm na là mức sinh đảm bảo mỗi phụ nữ sẽ sinh được 1 phụ nữ “thay thế” khả năng sinh nở của mình trong tương lai. Theo tính toán về tỷ lệ sinh nam – nữ, tuổi thọ phụ nữ, tỷ suất tử vong ở trẻ em, người vô sinh, độc thân…, tổng tỷ suất sinh trong khoảng 2,1 con được coi là mức sinh thay thế. Như vậy, mỗi phụ nữ phải sinh đủ 2 con thì mới đạt mức sinh thay thế.

Ông Tân phân tích, hiện nay, chính sách dân số đang khuyến khích người dân sinh từ 1-2 con để nuôi dạy cho tốt. Khi tỷ suất sinh của Việt Nam ở mức cao từ 3-4 con thì việc vận động sinh từ 1-2 con là hợp lý. Đây chỉ là sự vận động, tuyên truyền chứ chưa có cơ chế, chế tài, chính sách pháp luật nào khống chế mức sinh, xử phạt người vi phạm. Việc sinh 1-2 con cũng là xuất phát từ lợi ích của từng gia đình, từng cá nhân, để trẻ em được nuôi dạy tốt hơn mà các bậc cha mẹ cũng đảm bảo sức khỏe, có thời gian chăm sóc bản thân và thăng tiến trong sự nghiệp, làm giàu cho gia đình.

img

Một phụ nữ phải sinh đủ 2 con mới đạt mức sinh thay thế (Ảnh minh họa IT)

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ suất sinh của Việt Nam hiện nay không đồng đều. Một số địa phương nghèo, tỷ suất sinh cao như Lai Châu (3,11 con/phụ nữ), Quảng Trị (2,94 con/phụ nữ), Hà Giang (2,93 con/phụ nữ), Nghệ An, tỉ lệ sinh lên tới 2,9-3,0 con/phụ nữ. Thì ở một số địa phương có kinh tế phát triển thì mức sinh lại rất thấp như TP HCM (1,45 con/phụ nữ), Bà Rịa-Vũng Tàu (1,56 con/phụ nữ), Vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL cũng chỉ khoảng 1,5 con/phụ nữ.

Hiện nay, tại một số vùng vẫn có tỷ suất sinh cao thì Bộ Y tế vẫn chú trọng vận động người dân “sinh từ 1-2 con”. Nhưng ở một số vùng đang có hiện tượng đẻ ít, đẻ muộn khiến cho dân số ở đây không đạt tỷ suất sinh cần thiết. Theo kinh nghiệm các nước, khi mức sinh thay thế xuống thấp sẽ dẫn đến nguy cơ tốc độ già hóa dân số nhanh, thiếu lao động, thiếu phụ nữ… Khi mức sinh thay thế đã xuống thấp thì việc “kéo” mức sinh lên rất khó khăn, nhiều người dân sẽ không muốn sinh nhiều con, thậm chí không muốn sinh con. Bài học “nhỡn tiền” như các nước Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sinhgapore… Do đó, tại các vùng này, Bộ Y tế đang phải vận động người dân sinh đủ 2 con.

Theo ông Tân, dự kiến Luật Dân số sẽ được đưa vào chương trình làm luật và trình Quốc hội vào năm 2018. Từ giờ đến thời điểm đó, Bộ Y tế tiếp tục lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là từng bước nới lỏng chính sách kiểm soát giúp duy trì được mức sinh thay thế như trong thời gian qua. Tại vùng có mức sinh cao vẫn vận động sinh từ 1-2 con, còn ở các vùng có mức sinh thấp sẽ vận động phụ nữ “sinh đủ 2 con”.

GS.TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cũng đồng tình nên nới lỏng chính sách dân số vì kinh nghiệm các nước cho thấy xã hội càng phát triển thì các cặp vợ chồng càng lười sinh con.

Trước đó, tại tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật dân số, Bộ Y tế đưa ra 2 phương án đối với quy định về số con. Phương án 1: các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con… khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Phương án 2: Tiếp tục quy định như hiện hành vận động mỗi gia đình sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định…