Dân Việt

Vì sao cựu Chủ tịch Ngân hàng TrustBank bị bắt?

DV (tổng hợp) 12/01/2017 08:05 GMT+7
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 người nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), tiền thân của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB); trong đó có ông Hoàng Văn Toàn, cựu Chủ tịch Ngân hàng TrustBank.

img

Ông Hoàng Văn Toàn - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TrustBank.

Như Dân Việt đã đưa tin: Tối 10.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Hoàng Văn Toàn, cựu Chủ tịch HĐQT TrustBank cùng cựu Tổng giám đốc TrustBank Trần Sơn Nam. Đồng thời, tống đạt quyết định khởi tố 7 bị can liên quan.

Theo CAND: Trong số 7 bị can liên quan có 5 đối tượng bị bắt, còn 2 đối tượng nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi cùng bị khởi tố nhưng cho tại ngoại và bị cấm đi khỏi nơi cư trú. 9 nghi can bị cho là có hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Hành vi của 9 nghi can là liên quan đến vụ "đại án" Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB cùng các đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng mà trước đó, ngày 9.9.2016, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án này khi Hội đồng xét xử tuyên án bị cáo Phạm Công Danh. Đồng thời, công bố quyết định khởi tố vụ án, điều tra trách nhiệm hình sự đối với ông Toàn và ông Nam cùng với nhiều thành viên khác đã cấp tín dụng cho vay trái quy định gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng qua 2 hồ sơ của 2 công ty dẫn đến âm vốn chủ sở hữu hơn 2 nghìn tỷ đồng, lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng, trước khi ngân hàng này chuyển nhượng cho Phạm Công Danh.

Theo VNE: Ngày 11.1, liên quan đến sai phạm của cựu Chủ tịch và cựu Tổng giám đốc TrustBank trong việc duyệt hồ sơ cho vay gây thiệt hại 470 tỷ đồng, TAND Cấp cao tại TP.HCM khi xử phúc thẩm ông Phạm Công Danh cho biết, dù họ vừa bị bắt nhưng tòa sẽ tạo điều kiện cho các bị can cũng như luật sư tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

img

Bị cáo Phạm Công Danh (áo trắng, đeo kính) cùng đồng phạm tại tòa.

Cụ thể, bị bắt cùng với hai lãnh đạo Trust Bank còn có Lâm Hồng Trinh, Đỗ Hồng Linh, Ngô Đức Trí (đều là thành viên Hội đồng tín dụng TrustBank) và Huỳnh Thị Băng Tâm (30 tuổi, nguyên Phó phòng Kế toán), Ngô Kim Huệ (nguyên Phó tổng giám đốc Trustbank).

Quá trình xét xử ông Danh và đồng phạm trong đại án gây thất thoát 9.000 tỷ đồng, những người trong Hội đồng tín dụng của TrustBank thừa nhận đã tham gia phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty của ông Danh là Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ và Công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ. Mặc dù không tổ chức họp hội đồng tín dụng nhưng ông Toàn vẫn ký biểu quyết đồng ý trên biên bản họp hội đồng tín dụng với lý do "hồ sơ vay đầy đủ, có tài sản bảo đảm".

Với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án của ông Danh, ông Toàn cho biết, từ tháng 2 đến 10.2012 ông chỉ đứng tên Chủ tịch TrustBank trên danh nghĩa, thực tế ông Hà Văn Thắm sau khi thỏa thuận mua lại nhà băng này từ bà Hứa Thị Phấn đã đưa người vào điều hành. Đến tháng 6.2012, ông Toàn chính thức chuyển giao lại cho người của ông Phạm Công Danh. Cụ thể, ông ký quyết định bổ nhiệm ông Phan Thành Mai vào làm Phó tổng giám đốc.

Tuy nhiên HĐXX nhận định, ông Toàn đã chấp nhận sử dụng tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 130 lô số 3 khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu sân vận động Chi Lăng (Hải Châu, Đà Nẵng) được định giá hơn 913 tỷ đồng. Song, đây chỉ là mức giá của tài sản hình thành trong tương lai. Việc định giá này không thực hiện đúng theo văn bản hướng dẫn của TrustBank do chính ông Nam ký.

Ngoài ra, toà cho rằng, trước khi chuyển nhượng cho ông Danh, TrustBank đã bị thua lỗ hơn 2.850 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là nhóm bà Hứa Thị Phấn và lãnh đạo của TrustBank đã có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý điều hành.

Trong đó, bà Phấn và những người liên quan đã sử dụng 29 cá nhân vay tiền có thế chấp hoặc không thế chấp để lấy tiền Ngân hàng Đại Tín mà mình có vốn cổ phần.

Từ đó, HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế liên quan đến hành vi của ông Toàn và những người trong Hội đồng tín dụng của TrustBank.

Cựu Chủ tịch TrustBank sau đó đã kháng cáo không đồng ý với quyết định này.

Tuy nhiên, tối 10.1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) đã bắt tạm giam ông Toàn, ông Nam và những người trên.