Dân Việt

A Châu của “Vợ chồng A Phủ” giờ thế nào?

29/08/2011 07:39 GMT+7
(Dân Việt) - Tình cờ trong chuyến công tác về vùng Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La) - quê hương của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, tôi đã được gặp nguyên mẫu nhân vật A Châu.

Ông là Đinh Văn Tôn (sinh năm 1930), 60 năm tuổi Đảng, cựu chiến binh thời chống Pháp hiện đang sống tại xã Phiêng, huyện Bắc Yên, Sơn La.

"Cán bộ A Châu"- cuộc đời và trang sách

Ông Tôn là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở bản Mùng, xã Tân Phong, huyện Phù Yên (Sơn La). Ông sớm giác ngộ cách mạng và là một cán bộ cốt cán của lực lượng Việt Minh hoạt động tại địa bàn tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và huyện Phù Yên (khi ấy thuộc tỉnh Nghĩa Lộ).

img
Ông Tôn kể lại trận đánh của mình tháng 11.1951 .

Ý thức được vị trí chiến lược quân sự quan trọng của địa bàn Bắc Yên, dù là vùng cao heo hút, dân cư thưa thớt với 100% là người DTTS, nhưng thực dân Pháp vẫn bám chặt Bắc Yên thông qua việc lập và quản lý đám phìa tạo, thống lý, lính dõng. Chúng xây một đồn kiên cố tại xã Hang Chú với tên gọi đồn La Hu Van, giáp với địa bàn Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái do 3 sĩ quan Pháp và 120 lính cai quản.

Tôi thành A Châu

Năm 1950, ông Tôn nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật tại Khu 99 (nay thuộc huyện Bắc Yên) để gây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào Mông, Mường, Thái; tạo điều kiện cho Việt Minh mở rộng địa bàn hoạt động bên tả ngạn sông Đà, kết nối Chiến khu Việt Bắc với chiến trường Sơn La và Điện Biên Phủ sau này.

Ông kể: “Ngày ấy, dân mình nghèo và lạc hậu lắm, lại thường xuyên bị lính Tây, lính dõng cướp của, ức hiếp. Đói rách, bệnh tật triền miên đã cướp đi mạng sống của nhiều người. Tôi phải hướng dẫn bà con cách phòng, chống bệnh tật; cùng bà con ăn sắn, ăn ngô; chỉ cho họ cách chọn đất tốt làm nương, cách chọn giống lúa, ngô tốt để cho nhiều hạt… Thấy Bác Hồ nói, làm cái gì cũng đúng, dân tin, che giấu cán bộ khỏi tai mắt kẻ thù”.

Tháng 11.1951, trong một lần ông Tôn từ Bắc Yên về Phù Yên để báo cáo tình hình của địch ở Khu 99. Sau gần 2 ngày đi bộ xuyên rừng, ông Tôn tới đầu bản Pai Trò, xã Suối Tọ (Phù Yên), được dân bản thông tin, có một tốp lính do một quan tây chỉ huy đang hành quân truy quét cán bộ cách mạng.

img
Ông Đinh Văn Tôn vẫn giữ bức ảnh chân dung của mình khi đang là “A Châu” ở quê hương “Vợ chồng A Phủ” năm 1952.

Ông Tôn vào một cơ sở bí mật trong bản để nắm tình hình. Nhóm địch này có 20 tên, trang bị nhiều súng tiểu liên, lựu đạn. Cân đối lực lượng: 1 chọi 20, vũ khí của ông Tôn có con dao găm và khẩu súng trường Mát bắn phát một với gần 10 viên đạn. "Nếu bỏ lỡ cơ hội này thì không chỉ để kẻ thù thoát, mà còn để mất lòng tin của quần chúng với cán bộ Bác Hồ bao năm qua mình dày công gây dựng. Tôi quyết định liều với địch một phen".

Nhà văn Tô Hoài lên Bắc Yên, đã viết nên tác phẩm "Vợ chồng A Phủ". A Châu chính là ông Đinh Xuân Tôn; A Phủ là ông Mùa A Phử; thống lý Pá Tra từ nguyên mẫu thống lý Mùa Chống Lầu ở xã Hang Chú bên đồn La Hu Van...

Đêm ấy, ông Tôn ngược lại con đường đã đi qua và chọn một đỉnh dốc trong đoạn rừng rậm rạp đầy những gốc pơ mu, một bên là núi, một bên là vực sâu để phục kích địch. "Nằm chờ gần 4 tiếng đồng hồ, địch xuất hiện. Sương mù dày đặc, không thể xác định được vị trí tên chỉ huy quan tây, nên tôi nhằm vào mục tiêu đầu tiên để bắn, rồi hô: Cả đại đội sẵn sàng chiến đấu. Hô xong, tôi bắn liên tiếp 6 viên đạn về phía chúng; vừa bắn, vừa lăn đá, ném đá vào địch... Cuộc đấu súng gần một tiếng đồng hồ và tôi bắt được 2 tên tù binh, tiêu diệt được 1 tên...

Dân bản thấy bộ đội Cụ Hồ đánh giỏi vui mừng lắm, mổ lợn ăn mừng. Từ đấy, khí thế cách mạng trong dân lên rất nhanh. Cách mạng ở Khu 99 lớn mạnh cho tới ngày toàn thắng.

Ông Tôn tạm dừng câu chuyện khi màn sương bạc phủ kín chân dãy núi Tà Xùa cao hơn 2.000m. Ngoài sân, đàn gà của ông đã liếp chiếp tìm về chuồng. Bên phía bản Hồng Ngài, tiếng khèn bè của chàng trai Mông vang lên giai điệu gọi bạn tình réo rắt. Ông Tôn nhỏ nhẹ: “Họ đang luyện văn nghệ để đi tham dự Tuần văn nghệ Tết Độc lập vùng cao Mộc Châu đấy...".